Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

NHỚ "MIẾU SÁU CÔ" !


 Mến tặng các em Hoa,Nhàn,Liên,Hoàn,Lan,Hà và tất cả các bạn bè, người quen đã từng ghé „Miếu sáu cô“ Zi 941,Haus 9 Alter Reichenbach str 122-Plauen DDR(cũ).



Đang dọn dẹp trước sân nhà thì Đức cầm điện thoại từ trên gác đi xuống nói : „Toàn cẩu gọi địên từ VN sang muốn nói chuyện với ông ! „ Tôi đỡ lấy máy,từ đầu dây phía bên kia giọng quen thuộc của người bạn 22 năm trước vang vang.Sau một hồi tâm sự,Toàn hỏi tôi : „Ông ở bên đó còn liên lạc với các em Miếu sáu cô không?Nếu có gặp cho tôi gửi lời hỏi thăm nhé! “ tôi trả lời: „Vẫn còn nhưng không phải là tất cả và cũng lâu lâu mới gặp“ rồi đùa : “ ông vẫn còn nhớ Miếu sáu cô à,nhớ em nào nhất để tôi cho số điện thoại mà liên lạc hỏi thăm ?“ giọng Toàn chùng xuống :“ Nhớ chứ,nhớ tất cả như ông ngày trước ấy,Miếu sáu cô đã cho tụi mình bao nhiêu kỷ niệm còn gì ,làm sao mà quên được !“. Vâng „Miếu sáu cô“ ngày ấy đã để lại cho chúng tôi và bao chàng trai VN trên khắp DDR những kỷ niệm khó phai về một thời trai trẻ,với tôi còn nhiều hơn thế nữa …!

Chúng tôi sang lao động tại DDR(cũ) vào tháng 9 năm 87, đoàn tôi có tất cả 50 người đi từ Saigon,trong đó đông nhất là tốp con LS mồ côi 30 người ,còn lại là Đội trưởng,phiên dịch và 18 người là quân nhân xuất ngũ, nhân viên văn phòng bị  giảm biên như tôi.Nơi chúng tôi đưuợc nhận về làm là Nhà máy Thêu ren lớn nhất DDR cũ Plauener Spitze-một nhà máy mà sản phẩm của nó đã nổi tiếng khắp thế giới cho tới tận bây giờ những gì nó sản xuất ra vẫn là thứ hàng xa xỉ chỉ để phục vụ cho những người lắm tiền - Được khoảng nửa năm sau nhà máy lại nhận thêm một đoàn lao động VN  80 người nữa đi từ thành phố Cảng Hải Phòng,hai đoàn chúng tôi nhập lại thành một đội lao động 130 người và chuyển đến ở tại ký túc xá dành cho người lao động VN trong hai nhà số 8 và 9 Phố Alter Reichenbach 122 TP Plauen.Người mới và cũ,tuy đều là người Việt nhưng khác nhau về quê quán vùng miền,sự sát nhập đội ban đầu đã tạo ra những va chạm nho nhỏ và rồi xảy ra xung đột giữa lũ trai đang còn trong độ tuổi „bẻ gãy sừng Trâu“ vì những lý do không đâu.Ban Lãnh đạo Đội và đại diện Nhà máy đã họp khẩn cấp và yêu cầu phải giải quyết êm ấm ngay mọi xung đột.Là Bí thư Liên chi đoàn TNCSHCM Nhà máy,tôi được giao trách nhiệm cùng BCH tìm cách giải quyết xung đột.Đó là một nhiệm vụ không hề dễ cho chúng tôi khi tiếp xúc "làm nguội " đi những chiếc Đầu nóng.Đang bí thì may sao một cơ hội đã đến Tỉnh Đoàn TNCS Karl Mark Stadt tổ chức giải vô địch Bóng đá cho các đội lao động trong toàn tỉnh.Vớ được chiếc Phao quí giá này chúng tôi lập tức kêu gọi thành lập đội Bóng đá  Liên chi đoàn với hy vọng thể thao sẽ giúp xóa đi mọi hiềm khích và ranh giới phân biệt vùng miền,và lạy Giời lời kêu gọi đó được hưởng ứng nồng nhiệt bằng sự đi lại giao lưu,trò chuyện,luyện tập hàng ngày, chúng tôi đã xích lại gần nhau,loại bỏ dần mọi hiểu lầm,xây đắp lên những tình bạn. Tôi đã quen và kết bạn với 3 chàng trai đất cảng Đức, Thiện, Thắng,rồi qua 3 người bạn mới này tôi lại được làm quen với những người bạn khác trong đó có các cô gái sống tại phòng 941 nhà số 9. Đó là 6 cô gái tuổi từ 18 đến 20 xinh xắn,dễ thương,vui nhộn,cởi mở,chân thành và đặc biệt là hiếu khách :Hoa,Nhàn,Liên,Hoàn,Lan,Hà.Là những người trẻ tuổi,ham vui lại có chung nhiều sở thích,có hoàn cảnh xuất thân gần giống nhau…nhất cũng là người Bắc,chúng tôi gặp gỡ,làm quen và đi lại chơi đùa với nhau một cách tự nhiên, thân thiết .Cùng với thời gian mối liên hệ giữa tôi và những chàng trai cô gái đất cảng đó càng thêm đậm đà đến nỗi mỗi cuối tuần nếu không tới thăm các bạn ấy được tôi cảm thấy như thiếu một cái gì đó…„Hữu xạ tự nhiên hương“,“Tiếng lành đồn xa“sự trẻ trung,vui nhộn, sôi nổi ,hiếu khách của các cô gái phòng 941 đã lan khắp Cộng Hoà, lôi cuốn bao nhiêu chàng trai VN từ khắp mọi miền DDR .Mỗi cuối tuần căn phòng nhỏ lại rộn rã tiếng đàn hát,nói cười của những người trẻ tuổi chúng tôi.Người đến rồi đi lưu luyến mãi không muốn rời,có biết bao mối tâm tình đã nảy nở cùng với những ấp ủ,hy vọng...Tôi cũng đã có dịp quen thêm nhiều người bạn mới(Toàn“cẩu“ là một trong số đó)và có dịp chứng kiến những chuyện không bao giờ quên về tình bạn và tình yêu về sự gặp gỡ và chia ly…Trong thời gian này không biết một người nào đó đã vô tình hay cố ý đặt cho căn phòng của các cô gái này một biệt danh rất ấn tượng mãi mãi đi vào lòng người : „Miếu sáu cô“. Ba năm tồn tại của „Miếu sáu cô“ 89, 90, 91 tôi vẫn đi lại thường xuyên,không cuối tuần nào vắng mặt,không cuộc vui nào bỏ qua.Thời gian này do đang có chuyện buồn về tình cảm nên vô hình chung „Miếu sáu cô“ đã trở thành nơi nương náu tinh thần cho tôi ,giúp tôi tạm quên đi những đau khổ muộn phiền.Sự có mặt thường xuyên của tôi ,ban đầu tạo cho mọi người một sự thắc mắc,nhất là những vị khách phương xa,họ không hiểu tôi là ai và có quan hệ như thế nào với các cô gái ở đây mà lần nào đến cũng gặp mặt cũng thấy tôi được các cô quí mến.Ngay cả chính những chủ nhân của „Miếu sáu cô“ cũng có cô đã hỏi tôi: „anh đến chơi hoài như vậy có mục đích gì hả ? Hay là anh thích đứa nào trong 6 đứa bọn em ?“ tôi cười và trả lời nửa đùa nửa thật :“Người ta đã gọi đây là Miếu thì đến Miếu cũng có mấy dạng người, có người đến đển cầu xin,có người đến để vãn cảnh vui chơi .Anh ở dạng thứ 2,anh không thích riêng cô nào trong mấy đứa bọn em cả mà thích cả 6 đứa,nhớ cũng cả 6 luôn nên hay đến“.Thực ra sau khi gặp trục trặc trong tình cảm dẫn tới việc phải chia tay với người yêu,tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi về chuyện yêu đương,cái mà tôi đang kiếm tìm lúc này là sự bình an và tình cảm bạn bè.“Miếu sáu cô“ đã cho tôi những thứ đó.Trong mấy năm chơi với những người bạn này,những cái tôi có được thật vô cùng quí giá và lớn lao vượt cả sự mong ước : tôi đã có(và quen) được những người bạn mới,có được những đứa em thân thiết…

Năm 1990 dịp về phép VN lần thứ nhất,tôi đã dành 8 ngày ra Hải Phòng thăm gia đình các em.Thật ngoài sức tưởng tượng của tôi,tại đây tôi đã được Cha Mẹ và gia đình các em đón tiếp như người thân đi xa mới về,mọi người quan tâm chăm sóc tôi từng ly từng tý từ bữa ăn đến giấc ngủ,tâm sự với tôi cả những ưu tư lo lắng về cuộc sống, họ thực sự coi tôi như là một thành viên trong nhà.Cả đời tôi không quên được hình ảnh Mẹ Thiện lo cho tôi tấm chăn đắp sao cho đủ ấm đêm Đông,rồi Bà chong đèn đợi tôi mỗi khi tôi đi chơi đêm về muộn, ân cần dặn dò tôi như chính đứa con Bà đứt ruột đẻ ra.Bố Mẹ Nhàn lo cho tôi mặc không đủ ấm,đi lại không quen đường dễ bị lạc hay tai nạn, Ông Bà chỉ chịu cho tôi ra đường khi có một trong hai người đi cùng dẫn lối.Tôi không quên được những lời tâm sự của ông về cuộc sống và hạnh phúc gia đình cũng như hình dáng nhỏ bé gày gò của ông đứng vẫy tay tạm biệt trên bến xe Niệm Nghĩa khi tôi xuôi Nam.Tôi cũng không quên được sự ân cần chu đáo của Ông Bà và Mẹ,em của Liên khi lo cho tôi từng bữa ăn,giấc ngủ trong 2 ngày tôi ghé lại,những buổi chuyện trò vui vẻ đầy tình thân.Rồi những sự quan tâm chăm sóc ân cần của Bố Mẹ Lan, Hà, Hoa,Hoàn,Đức . 8 ngày ở Hải Phòng đã ghi tạc vào lòng tôi những tình cảm khó phai,từ 8 ngày đó tôi biết kể từ nay mình sẽ có thêm những người thân yêu,những Ông Bố bà Mẹ và những gia đình mới ,một miền quê mới để đi về và thương nhớ.Cho đến nay- trừ Bố Mẹ Nhàn đã chuyển về quê sinh sống tôi chưa có dịp gặp lại-còn hầu như lần nào về phép VN tôi đều dành thời gian đưa vợ con về Hải Phòng thăm hỏi .Vẫn như ngày nào, tình cảm và sự ân cần của Gia đình các em đối với tôi không hề thay đổi .

Hai mươi năm đã trôi qua kể từ ngày „Miếu sáu cô“ không còn tồn tại, bây giờ chúng tôi đã trưởng thành mỗi người mỗi ngả có một cuộc sống riêng.Tuy xa xôi ,cách trở ít khi có điều kiện gặp nhau,nhưng cũng như tôi và Toàn,tôi tin rằng tất cả các em hay những ai ngày ấy từng một lần sống,ghé thăm „Miếu sáu cô“ đều vĩnh viễn không bao giờ quên những Tháng Ngày  vui đùa chan hòa vô tư bên nhau với bao kỷ niệm  :

Bởi đơn giản thời gian có mặt ở „Miếu sáu cô“ là một quãng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời chúng tôi !


Lauingen , 10.2011- Kỷ niệm 20 năm xa „Miếu sáu cô „


NHỚ „ MIẾU SÁU CÔ „


Ngày xưa,thưở ấy thái bình

nhà kia „Miếu„ lạ đẹp xinh tuyệt vời

Quanh năm rộn rã tiếng cười

tứ mùa du khách đủ nơi dập dìu

Cảnh đã lạ,người đáng yêu                        

gieo cho người đến bao nhiêu tơ lòng

Kẻ đi Bắc,người sang Đông

mặc cho cách trở những mong lại về

Mùa Xuân cho tới Mùa Hè

Thu qua lá rụng, Đông về Tuyết rơi

„Miếu „kia vẫn rộn tiếng cười

người đi vẫn đủ muôn nơi dập dìu

Những là thương ,những là yêu

những là trao gửi bao nhiêu tâm tình...                            

Ngày xưa thưở ấy thái bình

ngày xưa,thưở ấy đẹp xinh tuyệt vời                                                        

Nhưng thôi trăm sự tại Trời

đang vui bỗng có một người «Sang ngang»

Thế rồi Cột đổ theo hàng

«Miếu» kia còn lại hai nàng bên nhau

Bao là thảm,bao là sầu

Còn đâu cảnh cũ còn đâu những ngày... ?

Còn đâu rợp « Ong Bướm » bay

Từ nay thôi nhé từ nay thôi rồi

Cũng là vang bóng một thời

Cho đời kỷ niệm ,cho người mộng mơ

Nhớ về « Miếu » cũ sáu cô

cảnh xưa đã hết người xưa đâu còn ... !


  Plauen 10.1990


Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

NGOẠI TÔI - NHÀ GIÁO LẠI VĂN TẤN


Một nén tâm nhang kính dâng hương hồn Ngoại kính yêu nhân ngày Nhà giáo Việt Nam !
Đã 25 năm rồi chúng tôi và bao thế hệ học trò không được cất lời chúc mừng Ngoại mỗi khi đến ngày 20-11.Dẫu cho rằng vào ngày này trong căn nhà nhỏ ở quê vẫn có rất nhiều những người học trò các thế hệ tìm về và thắp trên bàn thờ Người những nén nhang thành kính biết ơn,ở nơi xa xôi này tôi cũng thế.Bên bàn thờ Người tôi lặng ngắm nhìn bức ảnh Ngoại đã ngả vàng theo thời gian,vẫn còn mãi nụ cười hiền hậu và ánh mắt nhân từ bao dung ấm áp ngày xưa.Nụ cười, ánh mắt mà chúng tôi và bao nhiêu thế hệ học trò của Người mãi đem theo làm hành trang suốt cả cuộc đời.

Ngoại tôi xuất thân từ một gia tộc khoa bảng,Cụ thân sinh ra Người đỗ Tiến sĩ Nho học dưới thời Vua Thành Thái làm quan tới chức Thị lang Bộ Lễ triều Vua Khải Định và Bảo Đại được phong tước „Hồng Lô tự Khanh“(dân gian gọi là Quan Khanh).May mắn hơn những người anh khi Ngoại đến tuổi đi học thì đúng lúc Nho học đã hết thời,cụ thân sinh cho Người theo học tại trường Tây ở Kinh Thành Huế,hết bậc Tiểu học thi đỗ vào học tiếp Trung học tại Trường Quốc Học Huế (bạn đồng khóa,đồng môn với Ông sau này rất nhiều người trở thành nhân vật nổi tiếng như GS Tạ Quang Bửu,Đại tướng Võ Nguyên Giáp...).Tốt nghiệp Trung học một cách xuất sắc, không như những người bạn đồng môn và đồng lứa chọn theo học các Trường Luật,Kỹ thuật hay Trường Thuốc để sau này ra làm Quan,làm Đốc tờ…Người chọn theo học tại Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương để làm nghề dạy học - Trồng người !

Ra trường,bàn chân Người đã đi suốt dọc các tỉnh Miền Trung từ Quảng Nam về Thanh Hoá dựng Trường,xây lớp dạy học,từ một Giáo học vô danh ở xứ Quảng Người đã trở thành một Ông Đốc học danh tiếng ở tỉnh Thanh trước năm 1945. Đến với Việt Minh qua những người bạn học cũ tại trường Quốc học Huế,Người đã tham gia Khởi nghĩa mùa Thu 1945 trở thành Chủ tịch trấn thủ một Huyện tuyến đầu giữa vùng tự do khu 4 và vùng tạm chiếm khu 3,một vị Chủ tịch „khét tiếng“ là gan lỳ,xông xáo,kiên quyết,cương trực và liêm chính,một cái gai trong mắt các Cha cố vùng Phát Diệm và giặc Pháp những năm 46-50, chúng đã treo cái giá hàng vạn đồng Đông Dương trả cho ai giết được Ông .Cuộc Kháng chiến đã trở mình và vươn lên mạnh mẽ,vùng tự do cần có những con người mới để kiến quốc,Người lại nhận nhiệm vụ trở lại đứng đầu nghành giáo dục tỉnh Thanh dựng Trường xây lớp trồng người .Kháng chiến thành công, Chính Phủ về Hanoi Ngoại được cấp trên điều ra Hanoi giữ một trọng trách cao hơn trong nghành giáo dục,cả Làng, cả họ ai cũng mừng Ngoại lại nối chí Cha đi „làm Quan“ ở Kinh Thành.Nhưng khác với mong đợi của mọi người Ông đã chối từ để xin được trở về với nghề đứng lớp dạy học với một lý do đơn giản „Tôi sinh ra và đi học là để làm nghề giáo chứ không phải để làm Quan“ cho dù là Quan trong nghành giáo dục ! Rất lạ, không hiểu là bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ và lòng yêu nghề Giáo của Người hay sao mà cả hai người em rể của Ngoại vốn rất „thần tượng“ ông anh vợ mình,một người được bổ nhiệm làm Đại sứ của Bộ Ngoại giao,một đang là Hoạ sỹ Tổng thư ký Hội nghệ sỹ tạo hình Hanoi cũng nối nhau „từ quan“ xin về đi… dạy học ! Năm 1981 tôi được tháp tùng Ngoại ra Hanoi thăm ông Hoạ sỹ Phạm Viết Song, ôn lại chuyện cũ Ông Họa sỹ bảo với Ngoại „ngày đó anh em mình thật sáng suốt xin thôi cả về đi dạy học được thảnh thơi,hạnh phúc ung dung tự tại sống với nghề chứ cứ cố ở lại thì khổ, quan trường hiểm ác chả biết đâu mà lường. Đấy cứ như tay Văn ( Nhạc sỹ Văn Cao) hay mấy tay khác đeo mộng quan trường rồi khổ cả một đời…".

Xin về với nghề,Ngoại được giao tham gia quản lý và giảng dạy ở trường C.3 Lam Sơn.Cùng với lãnh đạo nhà trường Ngoại đã góp phần đề ra chiến lược xây dựng,phát triển Trường C.3 Lam Sơn thành một trường tốt nhật Tỉnh và Miền Bắc.Từ Lam Sơn bàn chân Ngoại lại về Hoằng hoá,Hà Trung xây dựng nên những ngôi trường C.3 mới. Nơi cuối cùng của cuộc đời trồng người là Nga Sơn- C.3 Nga Sơn nay là Trường PTTH Ba Đình -Thế hệ trẻ bây giờ được học tập và trưởng thành từ ngôi trường này có mấy ai biết về những Tháng Ngày gian khổ của thưở mới lập Trường dựng Lớp mà Ngoại và các bậc Tiền bối đã trải qua ? Có lần ôn lại những Tháng Ngày gian khổ ấy Thầy Nguyễn Danh Dự một cộng sự thân thiết của Ngoại từ Cấp 3 Hà Trung về đến C.3 Nga Sơn đã kể với chúng tôi:" ...Bác biết Ông cháu từ thời Ông còn ở Lam Sơn,những lúc rảnh rỗi Ông hay tâm sự ước ao có một ngày nào đó tại quê nhà Nga Sơn cũng có một Trường C.3,khi đó Ông sẽ xin được về đóng góp sức lực cho Quê Hương. Ông hỏi Bác - anh cũng về đó với tôi chứ ? Bác trà lời là sẵn sàng.Ông xung phong đi xây dựng Trường C.3 Hoằng Hóa rồi về Hà Trung công tác cũng là nhằm mục đích trở về Nga Sơn.Khi biết Tỉnh có kế hoạch trong tương lai sẽ mở thêm các Trường cấp 3,Ông đã gặp lãnh đạo đề đạt xin mở trường tại Nga Sơn,tin vào Ông có nhiều người ủng hộ rất nhiệt tình,tuy vậy cũng có những người phản đối cho là Nga Sơn còn nhiều khó khăn,số học sinh học C.3 chưa đủ để mở trường và nếu mở sẽ lấy giáo viên ở đâu dạy ? Trong số những người phản đối có cả những người nắm trọng trách trong ngành giáo dục Tỉnh nhà và là người Nga Sơn,họ cũng có con cháu đang theo học tại C.3 Hà Trung(cũng chính vì lý do Ông đã"qua mặt" lãnh đạo Ty đi vận động bên Tỉnh Ủy và Ủy ban Tỉnh cho quyết định này mà ông đã bị "trù ém" 7 năm liền cho đến lúc về hưu không được tăng Lương,không được khen thưởng ).Ông buồn lắm nhưng không nản,Ông nói với Bác : - Những đứa HS lên đây(C.3 Hà Trung) theo học là những đứa nhà có điều kiện kinh tế,còn đông lắm chúng không có điều kiện theo học C.3 chứ không phải là Nga Sơn không có đủ HS.Nhìn chúng nó không được học tiếp tôi thương lắm,tôi sẽ cố thuyết phục,đề đạt với các anh trên Tỉnh xin về dưới đó mở Trường,nếu được anh về với tôi nhé . Bằng uy tín và kinh nghiệm cộng thực tế khách quan Ông đã thuyết phục được lãnh đạo Tỉnh khi ấy cho phép lập Trường.Ngày nhận quyết định được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng Trường Nga Sơn ông vui như được thưởng , mặc dù bao khó khăn đang chờ đợi phía trước ông vẫn hăm hở lao vào nhận nhiệm vụ,đạp xe đi lại như con thoi liên hệ cơ sở vật chất cho Trường,lên Thanh Hóa ,ra Hanoi,vào Vinh xin giáo viên.Bác khẳng định không có Ông cháu Trường Nga Sơn chưa được mở sớm thế đâu và cũng khó được như bây giờ ! ..."
Hồi tưởng lại những ngày xưa,Thầy Nguyễn Văn Chung- Tiến sỹ Sinh học,giảng viên ĐH Tổng Hợp Hanoi chuyên viên cao cấp của Bộ ĐHTH chuyên nghiệp những năm 1980 kể : "... Tôi được gặp Thầy Tấn vào năm 1957 lúc mới tốt nghiệp ĐHSP khi Thầy ra Hanoi công tác.Qua tiếp xúc và lời kể của các Thầy Cô trong Trường Sư Phạm,tôi rất kính phục và mến mộ nhân cách cũng như lòng yêu nghề của Thầy,liền cùng vài người bạn làm đơn xung phong vào Thanh Hóa về Trường Lam Sơn dạy.4 năm công tác dưới quyền Thầy tôi đã trưởng thành nhiều,trở thành Giáo viên dạy giỏi,được kết nạp đảng.Có thể nói nếu không gặp Thầy Tấn năm 1957 thì không có TS Nguyễn Văn Chung ngày nay.Bởi dẫu sau đó Thầy nhận nhiệm vụ đi mở Trường ở nơi khác,nhưng vẫn không quên gửi gắm anh em chúng tôi lại cho những người có trách nhiệm quen biết ở Trường Lam Sơn và trên Ty Giáo dục giúp đỡ.Tôi nhớ Thầy nói đại ý muốn có HS giỏi,Trường tốt thì phải có Giáo Viên giỏi,mà muốn thu hút được Giáo viên giỏi thì phải biết quan tâm tạo điều kiện cho họ công tác, phấn đấu.Năm 1963 nghe tin Thầy về mở Trường dưới Nga Sơn tôi viết đơn xung phong xuống đó dạy,nhưng cũng lúc đó tôi nhận được giấy báo dự tuyển đi nghiên cứu sinh trên ĐH ở nước ngoài.Biết tin Thầy từ Nga Sơn đạp xe lên Thanh Hóa gặp tôi nói chuyện khuyên tôi đi thi NCS,Thầy bảo không có Chung xuống Nga Sơn dạy tôi rất tiếc,nhưng tôi càng tiếc hơn nếu em không đi dự tuyển NCS đây là cơ hội có môt không hai.Chung xuống Nga Sơn dạy thì giúp được chúng tôi và một số ít HS Nga Sơn,nhưng nếu Chung đi thi rồi đi học tiếp sau này về có kiến thức cao sẽ giúp được nhiều người hơn.Tôi nghe lời khuyên của Thầy và xa Thầy từ đó mãi đến bây giờ...Thầy là một người tuyệt vời nhất mà tôi đã từng gặp !"
Không thể kể hết những lời tri ân và ca ngợi mà Đồng nghiệp và HS như Thầy Chung đã viết về Ngoại trong cuốn sổ lưu niệm nhân ngày mừng thọ Người 70 tuổi do Trường Cấp 3 Nga Sơn và C.3 Hoằng Hóa 1 đứng ra tổ chức vào năm 1980.Bao nhiêu Đồng nghiệp và Học trò đã trưởng thành dưới sự dìu dắt và nâng đỡ của người,họ đã trở thành những người tài có ích cho Đất nước.Trong Lịch sử Trường C.3 Nga Sơn chắc không ai quên chuyện lần đầu tiên một HS cuối cấp được giới thiệu kết nạp đảng.Đó là Chú Mai Thận người Nga Mỹ.Thời đó việc vào đảng còn vô cùng khó khăn và gian nan,việc một HS cấp 3 được chính Hiệu Trưởng kiêm phó bí thư chi bộ Nhà Trường đứng ra giới thiệu kết nạp là điều chưa hễ có tiền lệ trong ngành giáo dục Tỉnh Thanh cũng như cả Nước(cho đến tận thời tôi đi học hơn chục năm sau vẫn chưa có trường hợp thứ 2).Điều đó khiến cho không ít người nói này nọ cho là Ngoại có ý đồ gì đó(!?).Biết được, Ngoại cười lớn bảo nếu tôi có ý đồ gì thì đó chính là ý đồ muốn tìm và giới thiệu cho đảng những Thanh Niên xuất sắc,họ sẽ là thế hệ kế tiếp tiếp tục sự nghiệp vẻ vang của đảng.Không phụ lòng Người chú Mai Thận sau khi vào đảng đi du học ở Liên Xô về đã trở thành một Kỹ sư giỏi,một cán bộ tốt,có nhiều thành tích trong công tác .Chỉ tiếc chú mất sớm !
Tận tụy và chung thủy suốt một đời với nghề Giáo,gần 40 năm „trồng người“ Ngoại tôi đã góp phần đào tạo nên bao nhiêu là thế hệ học trò.Trong số họ có người đã trở thành những Sỹ quan,cán bộ cao cấp,Giáo sư,Tiến sỹ,Bác sỹ nổi tiếng.Có những người chỉ là công dân bình thường là Nông dân,Công nhân…Nhưng ai cũng thế đều vô cùng yêu quý và kính trọng Ngọai,coi Ông như người Cha thứ hai của mình.Tôi còn nhớ có những người học sinh cũ ,có địa vị rất cao trong xã hội là cán bộ cao cấp của Nhà nước hay quân đội cùng những người bạn đồng môn là Nông dân, Công nhân cứ dịp lễ,Tết họ đều ghé về thăm Ông với một sự hoan hỉ và hết sức cung kính hệt như những cậu học trò nhỏ ngày xưa đến với Thầy,những đứa con xa về với Cha. Với ai cũng vậy Ông thật nhân từ và hiền hậu như một người Cha đối với những đứa con luôn lắng nghe, quan tâm, động viên, an ủi và sẻ chia.Bác Lê Văn Bính một cựu chiến binh Điện Biên đã ở, học với ông từ thời Pháp thuộc kể : Ngày xưa nhà bác nghèo lắm,các anh chị em ai cũng phải đi ở đợ cày thuê cuốc mướn.Vào năm đói,bố mẹ bác không nuôi nổi liền đem bác đến nhà Ông tôi xin ông nhận bác làm tiểu đồng hầu hạ. Ông nhận nuôi bác cho ăn học,làm việc coi như con cháu trong nhà.Kháng chiến bác đi bộ đội,khi rèn quân chỉnh cán khai lý lịch không ai tin bác là con bần cố nông không có tấc đất cắm dùi cả.Bởi họ bảo con bần cố nông gì mà thư sinh trắng trẻo được học trường Tây nói được tiếng Tây .Sau kháng chiến bác về xuất ngũ vào đúng dịp cải cách ruộng đất. Ông Bà tôi bị quy thành phần địa chủ, Đội cải cách biết bác ngày xưa ở với ông bà tôi vận động bác đứng lên đấu tố Ông Bà.Bác đã biến buổi đấu tố thành một tấn hài vô tiền khoáng hậu khi „tố“ Ông tôi nhận bác làm thằng hầu sao „đày đoạ“ bắt bác học chữ,dạy bác làm người,cho đi bát phố ăn tiệm,xem hát…Kháng chiến lại còn „xui“ bác ra nơi mũi tên hòn đạn đi bộ đội đánh Pháp ! Buổi đấu tố bể, Đội giận quá bắt phạt bác kết tội bao che địa chủ .Nhưng bác không sợ.Với Bác Ngoại tôi như người đã sinh ra bác lần thứ hai cho bác được làm người đúng nghĩa.Cả đời bác luôn tự hào về điều đó, về những tháng ngày may mắn được ở với Ngoại.Nhà Phật có câu „gieo nhân nào gặt qủa nấy“ cả cuộc đời Ngoại tôi đã miệt mài gieo con chữ,gieo tình người cho Đồng bào và kết qủa Người đã gặt được những vụ mùa bội thu tình thương yêu và qúy trọng của Học trò và Nhân dân !
Ngày Ngoại mất,hàng nghìn học trò các thế hệ đã tìm về.Tay trong tay,họ đã kết thành hàng „Tiêu binh“ danh dự dài hơn 1 Km từ nhà tôi ra tới Nghĩa Địa làng tiễn đưa Ngoại.Có tận mắt nhìn những giọt nước mắt,những khuôn mặt,những niềm tiếc thương của mọi người mới biết Ngoại tôi được yêu qúy và kính trọng như thế nào.Mới biết tại sao Ngoại luôn luôn khẳng định: Nghề giáo là một nghề cao quý và vinh quang !
Năm 1990 về phép sang cát cho Ngoại tôi được gặp bác Thái Văn An nguyên Vụ phó Vụ Tổ chức Cán Bộ của Bộ Đại Học và Trung học chuyên nghiệp vốn là học sinh từ thời Pháp thuộc của Ngoại .Bác nói với tôi :“ Đời cháu thật là may mắn và hạnh phúc khi có mười mấy năm được sống bên cạnh và được Ngoại dạy bảo !“

Vâng chúng tôi những người con, đứa cháu của Người thật là những người vô cùng hạnh phúc khi được có Ngoại là Cha là Ông !

Những năm tháng chiến tranh cha mẹ chúng tôi đều ra trận hay vào tuyến lửa phục vụ chiến đấu-lũ chúng tôi những đứa cháu Nội,Ngoại- được Ngoại đón về chăm sóc nuôi dạy.Ngoại vừa là Ông vừa là Cha lại vừa là Thầy của anh em chúng tôi,vô cùng tận tụy và chu đáo. Tôi vẫn nhớ Ngoại ngồi tỷ mẩn bện từng chiếc mũ Rơm,từng cái nùn Rơm che mảnh bom cho chúng tôi đem đi học.Ngoại đã đạp xe cả trăm cây số,mặc đạn bom máy bay bắn phá,thời tiết khắc nghiệt đi đón đứa em con bà Dì thứ 4 vừa tròn 6 tháng tuổi về nuôi khi bố mẹ nó phải đi chiến đấu nơi tuyến lửa.Một tay lái xe một tay cầm bình sữa cho đứa bé địu trước ngực bú, miệng ru nó ngủ mắt dõi đề phòng máy bay đánh phá đi suốt đêm đem nó về nhà.Rồi những khi mất ăn mất ngủ thức trông anh em chúng tôi khi có đứa ốm đau,dạy dỗ uốn nắn từng đứa học hành . Sau chiến tranh,các anh chị em họ trở về với bố mẹ chỉ còn tôi và nó bám hơi Ông ở lại cạnh Người cho đến lớn khôn.Năm Ngoại mất chúng tôi mới thấu được nỗi đau mồ côi ! Thực ra tôi đã mồ côi Cha từ khi 7 tuổi nhưng khi ấy còn quá bé để biết đau và biết mất mát. Ở với Ngoại được Ngoại yêu thương bù đắp cho sự thiếu hụt tình cảm .Khi mất Ngoại tôi mới hiểu như thế nào là nỗi đau mất đi người thân yêu nhất của cuộc đời mình.Tôi gục xuống chìm đắm cả tháng trời trong sự đớn đau,thương nhớ…!

Thời gian trôi nhanh qúa mới đấy mà chúng tôi đã xa Ông 25 năm trời,25 năm không được gặp và nói với Người những lời chúc mừng hay những lời tri ân vào mỗi dịp 20-11 ngày của các Nhà Giáo.Nhưng Ngoại ơi dù ở đâu chúng con vẫn luôn nhớ tới Người luôn khắc sâu trong Tim hình bóng và những lời dạy dỗ của Người.Chúng con luôn tự hào và cảm thấy hạnh phúc,hãnh diện khi được làm con,cháu của Người.Nếu cho con một điều ước con sẽ ước kiếp sau nếu được làm người con lại xin được đầu thai làm cháu của Người.Con biết rằng Ngoại sẽ đồng ý như thế đúng không Ngoại ?

Ở trên cao,qua làn khói hương lãng đãng ánh mắt Ngoại vẫn nhìn tôi đầy yêu thương,ấm áp với nụ cười hiền hậu nhân từ …!


Xứ người 20-11-2011.

PS : Khi tôi vừa viết xong những dòng hoài niệm về người Ông kính yêu của mình, thì nhận được điện hoại từ nhà gọi sang báo tin tập thể các cựu học sinh Trường C.3 Nga Sơn từ năm 1963 đến 1970 do chú Họa sỹ Trần Cao Sơn người Nga Mỹ chủ trì, đã quyết định đúc tượng Ông để tặng gia đình và Trường Nga Sơn nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường 1963-2013.Thật vô cùng xúc động và tự hào,sau 41 năm kể từ ngày Ông rời bục giảng,25 năm xa rời dương thế,những học sinh cũ của Người vẫn không quên Ông.Cả cuộc đời dạy học,tận tụy với nghề cho dù Ông không được phong danh hiệu hay khen thưởng này nọ,nhưng tất cả những tình cảm của các thế hệ Học sinh dành cho Người đó chính là phần thưởng là danh hiệu cao quí nhất !

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

QUÊ NỘI


Khác với quê Ngoại Nga Sơn,Thanh Hoá - nơi tôi đã sống suốt thời ấu thơ cho đến trưởng thành - với bao kỷ niệm thân thương gắn bó.Quê Nội Tân Châu (Châu Đốc), An Giang trong tâm trí tôi thật là mới mẻ và lạ lẫm.Tuy tiếng là quê Cha đất tổ nhưng suốt 22 năm đầu đời khi còn ở VN tôi cũng chỉ mới được về thăm có 1,2 lần ít ỏi,còn chủ yếu là về TP  Long Xuyên, An Giang nơi Ông Bà Nội tôi sinh sống những năm cuối đời sau giải phóng.Ba tôi vốn là dân tập kết 1954, ông sống học tập,làm việc yêu và lấy Má tôi trong khoảng thời gian 11 năm trên đất Bắc.Khi sinh tôi ra được 2 tháng thì ông khoác ba lô vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu,năm 1972 khi tôi tròn 7 tuổi thì ông hy sinh.Tôi lớn lên cũng chỉ biết quê Nội qua lời kể của Má tôi(Bà cũng chỉ nghe Ba tôi kể lại qua ký ức) rằng đó là một miền quê xa lắm nằm sát biên giới Campuchia là một Cù Lao xanh mướt bóng Dừa xanh ngời sắc Lúa nằm giữa sông Cửu Long liền Đồng Tháp Mười mênh mông…
Sau giải phóng cho đến khi tôi sang Đức ,12 năm liền, năm nào Má tôi cũng cố dành dụm lặn lội đưa tôi về thăm Ông Bà nội,nhưng cũng chỉ về tới TP Long Xuyên nơi Nội tôi sinh sống. Đôi khi tôi hỏi về quê nhưng Nội thở dài bảo về đó xa lắm khó đi mà ở đó cũng chả còn mấy ai thân thuộc…Khi ấy tôi đâu có hiểu đằng sau những tiếng thở dài của Nội tôi là cả một niềm đau...! Mãi đến sau khi Ông Nội mất, năm 1986 tôi mới hỏi dò Bà Nội đường đi và tìm về thăm quê.Mất gần nửa ngày lênh đênh trên con đò chạy từ TP Long Xuyên lên Tân Châu tôi mới đến được quê Cha đất Tổ.Quê Nội tôi đẹp thật ! Đó là một Cù Lao lớn nhìn từ trên cao xuống như một lưỡi Đao khổng lồ xẻ dòng Cửu Long làm hai nhánh : Sông Tiền và Sông Hậu.Tên thường gọi là Cù Lao Tây,Cù Lao có 5 xã ,quê Nội tôi là xã Tân Quới .Ngày xưa thời Pháp thuộc  Cù Lao này thuộc Huyện Tân Châu Tỉnh Châu Đốc,thời Kháng chiến 9 năm và Mặt Trận Giải Phóng nó thuộc Quận Tân Hồng,Tỉnh Long Châu Tiền rồi Long Châu Sa,thời VNCH nó thuộc Huyện Đồng Tiến,Tỉnh Kiến Phong sau giải phóng được nhập vào Tỉnh Đồng Tháp.Có cái lạ,dù bị người ta tách  ra khỏi Tỉnh An Giang, nhưng người dân ở huyện Lấp Vò và 5 xã Cù Lao Tây( nhập vào Đồng Tháp), huyện Thốt nốt (nhập vào Hậu Giang) trong tâm trí vẫn tự coi mình là dân An Giang(người quê tôi vẫn tự xưng mình là dân Tân Châu mặc dù 30 năm nay thuộc Huyện Thanh Bình.Đồng Tháp ! ) Không hiểu sao Quê Nội và Quê Ngoại tôi lại có nhiều nét tương đồng đến thế, cũng là hai hòn Đảo lớn với bốn phương tám hướng sông nước vây quanh, muốn đến ngoại trừ là... nhảy dù từ trên Trời xuống còn không đều phải đi đò !


Phà qua Cù Lao Tây

Quê Ngoại tôi nổi tiếng với nghề dệt Chiếu Cói(Chiếu Nga Sơn) thì quê Nội là nghề dệt Luạ(Luạ Tân Châu,lãnh Mỹ Á…).Thấp thoáng sau những lũy Tre và vườn cây ăn trái bạt ngàn cũng là những nóc Nhà thờ Công giáo với cây Thánh giá trắng toát.Hầu hết dân cư trên Cù lao này đều theo đạo Thiên Chúa,gia tộc tôi cũng không ngoại lệ.Cho đến hết đời Cụ Nội tôi ,khoảng gần 100 năm gia tộc tôi truyền đời làm Trùm họ Đạo.Ông Nội tôi(trên bước đường làm ăn xuôi ngược)có lẽ nếu không gặp những người Cộng Sản vào đầu những năm 40 của Thế kỷ trước thì cũng lại nối bước Cụ tôi làm Trùm họ đạo.Đến với lý tưởng Cộng Sản,chấp nhận tù đày,chết chóc ông đã thoát ly gia đình đi hoạt động.Cách mạng Mùa Thu nổi lên rồi Kháng chiến, ông tôi khi ấy đã móc nối với cơ sở bí mật đón Ba tôi đang theo học tại một trường Công Giáo ở Mỹ Tho ra Bưng biền tham gia Kháng chiến.Quyết định này của Ông đã làm cả gia tộc nổi giận bởi vì khi ấy Cộng sản và Công Giáo như Nước với Lửa,cả gia tộc đang kỳ vọng vào Ba tôi làm vẻ vang dòng họ bằng con đường học vấn hay là theo học trường dòng tu thành Linh Mục thờ phụng Chúa.Gia tộc nổi giận,Nhà thờ nổi giận kết quả là Ông tôi-kẻ đã theo Cộng Sản vô thần- bị rút phép thông công. Theo Kháng chiến,Ba tôi đã trưởng thành nhanh chóng,tập kết ra Bắc Người tiếp tục theo đòi nghiệp đèn sách tốt nghiệp ĐH Y Hanoi trở thành một Bác Sỹ giỏi là học trò cưng của các GS Ykhoa hàng đầu VN : Hồ Đắc Dy,Đặng Văn Chung, với tương lai sán lạn.Ở Chiến khu Đồng Tháp Mười, Nội tôi dõi bước Ba đi với niềm tự hào, kiêu hãnh,hy vọng sau này đất nước thống nhất Nội có thể đưa Ba về quê để chứng minh với dòng họ sự quyết định đón Ba tôi ra Bưng ngày xưa là đúng đắn.Nhưng không ngờ chiến tranh đã cướp mất hy vọng đó của Nội để lại cho Ông một nỗi đau buồn khôn nguôi...
Nằm giữa dòng Cửu Long thường xuyên được phù sa bồi đắp nên đất đai ở đây màu mỡ vô cùng,bạt ngàn là màu xanh của vườn cây ăn trái,của những cánh đồng Lúa và bãi Dâu.Bốn bề là sông nước nên hình như đất trời ở đây cũng rộng rãi và mênh mông hơn con người cũng hào sảng,cởi mở và phóng khoáng hơn dễ gần và dễ làm quen hơn .Lần đầu tiên đặt chân về nhưng tôi có cảm tưởng gần gũi và thân thuộc,có lẽ trong huyết quản tôi có chảy những tế bào máu được truyền từ Cha tôi-những tế bào máu đã được kết tinh từ những hạt phù sa trên Cù Lao này- Mấy ngày ở quê tôi tha thẩn đặt bước chân trên những con đường ngang dọc Cù Lao và thầm hỏi không biết những con đường này ngày bé Cha tôi có đi qua ? Những bến Sông kia bến nào Cha tôi đã từng lội ? Anh họ tôi - Linh Mục Lâm Tấn Phát,người đã thay thế Cha tôi thỏa ước nguyện của Gia tộc - đưa tôi đến thăm Nhà thờ Tân Quới một Thánh đường đầu tiên thờ Chúa được xây dựng trên Cù Lao này vào những năm đầu thập kỷ 30 của TK 20.Đó là một ngôi Giáo đường rất đẹp được xây dựng theo kiểu kiến trúc Gô Tích với Tháp Chuông cổ kính và vòm mái cao vút lung linh huyền ảo.Đón chúng tôi tại Nhà thờ là Đức Cha chánh xứ Nguyễn Hoàng Hân,Ông ôm chầm lấy tôi như đón một người thân đi xa về(Ba tôi và ông là hai người bạn thân cùng học tại Mỹ Tho cách đây gần nửa thế kỷ),những giọt nước mắt lăn trên gò má ông làm cho lòng tôi ấm áp lạ .Với giọng trầm trầm rù rỉ, đầy tiếc nuối ông kể cho tôi nghe những kỷ niệm thời còn đi học chung với Cha tôi thưở ấu thơ .Tôi lần về cội nguồn với những bước chân như lạ như quen,hằng ngày ngoài việc đi thăm hỏi bà con họ hàng tôi lại được  cùng những người anh em họ chống Xuồng ra Ruộng vào Đồng bắt Cá, săn Chuột ,hái Sen.Thiên nhiên ở đây thật là hào phóng cả đời chưa bao giờ tôi được nhìn thấy Cá nhiều như ở đây,đủ các loại,rồi Chuột đồng, Rắn , Rùa, Chim Trời…Người ta chỉ cần nhấc tay nhấc chân vài cái là đã thừa đồ cho một bữa nhậu đã đời.Cho đến nay tuy đã từng ngồi ăn nhậu trong những nhà hàng sang trọng 4 sao,5 sao ở VN hay ở trời Âu hay cả tại những quán vỉa hè Hanoi, Saigon nhưng không đâu tôi có được cái cảm giác“phê“, „đã đời“ như những lần ngồi nhậu cùng mọi người trên những chiếc Xuồng cắm giữa mênh mông Trời nước với những đặc sản của  ruộng đồng .Thiên nhiên hoang sơ,sản vật dồi dào,con người vô tư phóng khoáng,chân tình có lẽ ở chốn địa đàng xa xôi nào đó cũng chỉ đến như thế này là cùng !
Hai mươi bốn năm xa quê tuy đã bao lần về VN nhưng tôi vẫn lỗi hẹn chưa một lần quay lại nơi này,tuy chưa quay lại nhưng trong tâm trí tôi hình bóng miền đất Cù Lao trên dòng Cửu Long và những kỷ niệm về nó chưa bao giờ phai nhạt.Vẫn hy vọng rằng có một ngày tôi sẽ được trở về,trở về và dẫn những đứa con tôi đi lại trên những con đường mà tổ tiên chúng ngày xưa đã từng đi.Kể cho chúng nghe câu chuyện rằng ngày xưa…đây là…Quê Nội …!

Lauingen, 09.11.2011

Ng.Thanh Trang


Nhà thờ Tân Quới 


GỞI CHÚ
Kính tặng chú B
Chú về Thành Phố
cháu ở lại quê
gởi theo nỗi nhớ
nhờ chú chuyển về
Tới từng góc Phố
tới từng gốc Me
con đường Nắng đỏ
chú ơi nhớ nghe
Chú về Thành phố
hơi thở của quê
hơi thở đồng nội
cũng theo chú về
Mùi đất ,mùi Rừng
mùi hương lúa mới
về giữa thành đô
xôn xao lòng người

Khi về thành phố
chú ơi có nhớ
miền đất phù sa
đồng bắng châu thổ
xanh biếc bóng Tràm
xanh ngời sắc Lúa
chú ơi có nhớ
ánh Trăng đồng quê
ánh Lửa đồng nội
sáng những đêm Hè ?
Chú về thành phố
từ sáng mờ sương
tiễn chú một đoạn
lòng đầy nhớ thương !

Quê Nội hè 1986

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

DÒNG SÔNG MÙA THU


Mến tặng Th.H người bạn gái đã lặng lẽ đến bên cuộc đời tôi,lặng lẽ để lại cho tôi bao kỷ niệm khó phai rồi lặng lẽ ra đi…
Tháng 8.2011 trong dịp về VN, tôi và 4 người bạn học cũ thời LĐ-XH có dịp gặp lại nhau,sau màn chào hỏi của 25 năm xa cách,một câu hỏi không hẹn mà nên cả 5 chúng tôi cùng bật ra : „Có ai biết bây giờ  Út H ở đâu hông ?“ Hỏi xong chúng tôi cùng lặng im bởi cả 5 người đều không có câu trả lời.H ơi sau bao năm xa cách bạn bè bây giờ gặp lại tất cả đều nhớ tới H,bây giờ em ở đâu ?

Ngày ấy,chúng tôi một nhóm  7 người 4 trai ba gái : Hữu Chí,Hồng Phát,Tuấn Ninh,Thanh Trang,Nam Bình,Hồng Thanh và Th. H trong đó anh H.Ch lớn tuổi nhất là anh cả,H nhỏ tuổi nhất là em Út.Nhóm chúng tôi mỗi người đến từ một miền của nước Việt  Bắc,Trung Nam có cả,mỗi người có một sở thích và sở trường riêng Anh H.Ch đàn ghi ta điêu luyện, H. Ph ca cổ mùi mẫn vô cùng,T.N thì hát Nhạc vàng sầu khôn tả ,H cô „Út Sài Gòn“thì vẽ và chơi đàn,làm thơ đều giỏi.Chúng tôi gặp và chơi với nhau như anh em một nhà, cùng một tình yêu Văn Thơ và Ca hát.Các cuộc vui văn nghệ  của 2 lớp A1, A2 và 3 nhà 15,16,21 không khi nào vắng bóng chúng tôi(tôi và 4 người nữa học khoá I còn H và N.B học khóa II).Chơi với nhau được 1 năm thì chúng tôi thi tốt nghiệp ra trường,4 anh chị Chí, Thanh,Phát,Ninh về quê,tôi được giữ lại Trường để đợi gửi ra Hanoi học tiếp lên hệ ĐH.Ngày chia tay những bạn bè khác thì vui mừng hớn hở riêng chúng tôi thì buồn bã ủ dột,mặt mũi người nào cũng như cái bánh đa nhúng nước.Cả nhóm kéo nhau ra quán Café „Chú Năm mập“ trước cổng trường ngồi một góc lặng lẽ như những cái bóng không hồn,Phát và Ninh thường ngày uống ào ào nói như máy nhưng nay thành những nhà hiền triết ngồi đăm chiêu tư lự.Những cốc Café đá,Chanh đá,đá tan chảy cả ra ngoài mà không ai buồn nhấp môi,anh H.Ch phải dục đến mấy lần chúng tôi mới nhấp vài ngụm rồi ngồi lặng lẽ,H và Hồng Thanh mắt đỏ hoe chỉ chực bật thành tiếng khóc.Ôm cây Ghi ta anh Chí phá tan bầu không khí nặng nề : „Mai xa nhau rồi tụi bây,giờ nhóm mình làm mấy bản,ca cho đỡ sầu mấy đứa !“  rồi cất tiếng hát mở màn,nối sau anh là N.B,T. N,Ph,tôi và Th. H ,H. Th,lúc đầu còn nhỏ sau lớn dần ,Thìa muỗng ,Ly cũng được huy động làm nhạc cụ.Cứ như thế hết bản này tới bản khác làm sôi động cả cái quán nhỏ.Khách ngồi ở các bàn xung quanh thấy chúng tôi ca cũng kéo ghế lại góp giọng , ông chủ quán cũng kéo ghế lại ngồi cạnh lắc lư cái bụng phệ theo nhịp đàn,bạn bè ở trong trường hay đang đi dạo trước quán cũng kéo cả vào,7 chúng tôi đã biến buổi chia tay ở cái quán nhỏ ngoại ô thành một „tụ điểm ca nhạc“ ngẫu hứng ,ồn ào và sôi động đến quên cả thời gian.Mãi đến khi ông chủ quán kêu đóng cửa khuya qúa rồi chúng tôi mới đứng dậy ra về,về ký túc xá lại tiếp tục ca cùng nhau một đêm trắng .Sáng hôm sau chia tay mọi người về quê,3 chúng tôi ở lại lặng lẽ như những cái bóng giữa những dãy nhà trống trải…

Những ngày sau đó với chúng tôi là những ngày buồn thảm vô cùng,H và Nam Bình tiếp tục đi học,tôi ở lại nhận tạm việc tại phòng tổ chức của trường và ôn VH để đợi ngày ra Bắc. Nhóm 7 người giờ còn 3 vẫn gặp nhau sau mỗi ngày học và làm việc nhưng chúng tôi không Đàn hát nữa mà chỉ ngồi đọc cho nhau nghe những vần thơ mới viết hay mới đọc được ở đâu đó,thi thoảng lại rủ nhau về thành phố xem phim, ca nhạc,hay đi chơi công viên, ăn chè...Tôi có thói quen nhặt lá Đa rụng chép thơ lên đó rồi đem đọc cho H và N. B nghe,cứ mỗi lần như thế H lại xin tôi những chiếc lá ấy đem về, tôi hỏi H cười „à đem về giữ lại biết đâu sau này lại có giá hơn nữa  20,30 năm sau có cái kể cho con cháu chúng nghe“. Thời gian cứ thế trôi , 1 năm qua đi nhanh chóng H và N. B đi thực tập chuẩn bị thi tốt nghiệp tại Củ Chi.Hai Bộ Lao Động và TBXH sát nhập,hệ ĐH mà Bộ cũ định mở lại tạm bị đình hoãn lần 2,hai Trường TCKT và BTXH chuẩn bị nhập làm một thành LĐXH ,tôi đứng trước một tương lai mờ mịt hoặc là tự đi xin việc khác hai là …thất nghiệp vì trường giảm biên chế.Giữa lúc đó nhà trường quăng cho tôi một chiếc „phao“ có thể đi HTLĐ tại DDR nhưng trong diện dự bị và phải hết sức giữ… „bí mật“! Tôi „vớ“lấy cơ hôi đổi đời này và âm thầm chuẩn bị mọi thủ tục chỉ có Má tôi và vài người thân là được biết đích xác còn bạn bè chỉ trước khi lên máy bay 12 tiếng khi biết rõ mình được đi tôi mới thông báo.Nhận được tin H và N. B từ nơi thực tập bắt xe về thành phố ra đến sân bay kịp lúc tôi chuẩn bị vào phòng cách ly.Gặp nhau lần cuối NB trách tôi sao không báo trước còn H thì lặng lẽ đứng nhìn tôi hai mắt đỏ hoe,tôi bối rối chẳng biết nói gì với hai bạn,chỉ lúng túng thốt vài lời tạm biệt.H lặng lẽ bước lại dúi vào tay tôi cuốn sổ tay miệng mấp máy như muốn nói điều gì đó nhưng không thành lời(hay giữa ồn ào tôi không nghe rõ ?).NB thì nhắn nhủ „Tr sang đến nơi nhớ viết thư thường xuyên về cho GĐ và tụi mình, đừng quên chúng mình nha !“.Tôi gật đầu vội vã chia tay GĐ và 2 bạn vào phòng cách ly.Thật không ngờ cuốn sổ tay H trao cho tôi đó là cuốn sổ H chép lại tất cả những bài thơ tôi đã làm viết trên những chiếc lá Đa ngày nào và một lời nhắn nhủ tôi sang Đức hãy tiếp tục làm thơ chép vào cuốn sổ này bao giờ về nước cho H xin lại…!

Ở VN H và NB đã tốt nghiệp, NB về quê nhận công tác H thì đang đợi phân công, còn một mình giữa thành phố H thấy cô đơn nhớ các bạn kinh khủng,nếu không có việc H sẽ xin đi HTLĐ ở Đức như tôi-Tuy xa cách nhưng chúng tôi vẫn thư từ cho nhau một tháng đôi lần-Sang Đức tôi làm quen với công việc,cuộc sống và bạn bè mới,một thời gian sau thì có người yêu.Tôi viết thư về“khoe“ với H,H nhận được và gửi cho tôi mấy dòng chúc mừng và từ đó bặt tin.Một năm sau tình cờ tôi gặp lại Thương một bạn gái thân thiết của H cũng sang HTLĐ, Thương báo tôi tin H đã lấy chồng và bảo „anh tệ lắm H nó đã hết nước mắt vì anh mà anh chẳng hiểu một tý gì cả,sao anh vô tình và nhẫn tâm thế ?“.Tôi sững người,thầm kêu trong lòng :“H ơi hãy tha lỗi cho tôi. Đâu phải tôi vô tình hay không hiểu những gì H đã dành cho tôi mấy năm qua ? Mà chỉ là tôi không muốn H phải khổ vì tôi.Cuộc đời,tương lai tôi còn mờ mịt lắm chưa biết sẽ như thế nào,làm sao tôi nỡ bắt em một tiểu thư lá ngọc cành vàng phải bôn ba khổ sở vì tôi.Hãy hiểu và tha lỗi cho tôi nghe H !...“.Trước mắt tôi lúc ấy hiện lên bao nhiêu kỷ niệm,hình bóng và lời nói của H những ngày chúng tôi còn chơi chung một nhóm, những cử chỉ chăm sóc, âu yếm H dành cho tôi một cách âm thầm và lặng lẽ,những câu thơ H viết,những bài hát,tiếng đàn hay những bức tranh H vẽ tặng tôi…Và tôi hiểu sẽ chẳng bao giờ tôi có lại những ngày tháng thân thương ấy một lần nữa trong đời.Cuộc đời này tôi mãi mãi thiếu H một món nợ khó trả…!

Năm 1990 tôi về phép VN lần thứ nhất, đặt chân về nhà cất hành lý ăn uống qua loa tôi lấy xe chạy đến nhà H trên đường Hậu Giang trong khu Phi Long tại sân bay TSN,chạy một cách vội vã chỉ mong gặp lại H nói một lời gì đó. Đến trước cổng hăm hở định đẩy cửa bước vào chợt nghe có tiếng ru con trong nhà vọng ra,tôi đứng sững lại trời ơi đó là tiếng của H,H đang ru con bằng những câu thơ ngày xưa tôi viết tặng…!Tôi lặng lẽ đứng tựa vào gốc cây Vú sữa trước cổng nhà nghe H ru con rồi lặng lẽ khép cổng ra về. Đó là lần cuối cùng trong 24 năm qua tôi nghe thấy tiếng H, lần sau về phép năm 1996 tôi quyết định đến thăm H thì khu tập thể Phi Long ngày xưa giờ đã đổi khác, đã thành một khu phố sang trọng kín cổng cao tường,xác định vị trí nhà H ngày xưa bằng cây Vú sữa trước cổng tôi bấm chuông,ra mở cửa là một người xa lạ hỏi thăm H và gđ họ lắc đầu không biết,hỏi tiếp mấy nhà bên cạnh cũng không ai biết H và Gđ đã chuyển đi đâu.Tôi thẫn thờ ,thế là mất dấu H rồi biết tìm H ở đâu giữa thành phố mênh mông này ? Về lại trường cũ hỏi thăm cũng chả ai biết  H ở đâu .Một hy vọng cuối cùng là những người bạn cũ trong nhóm, có lẽ có người còn liên lạc,nhưng cuộc gặp tháng tám vừa rồi vẫn chỉ là những cái lắc đầu .H ơi bây giờ H ở đâu ? Cuộc sống thế nào ? Có còn nhớ chúng tôi những người bạn cũ ngày xưa ? Có còn nhớ tôi và những vần thơ chép trên lá Đa ngày nào ? Đứa bé cách đây 21 năm H ru  bằng thơ tôi bây giờ chắc đã lớn khôn.Có bao giờ H kể cho nó nghe về sự tích những bài thơ chép trên  lá Đa ấy ? Còn tôi 24 năm- một phần tư thế kỷ đã qua-phiêu bạt nơi xứ người,cuộc đời với bao thăng trầm vất vả vẫn mãi nhớ về những kỷ niệm ngày xưa,về nhóm 7 người chúng ta ngày ấy, về những gì H đã dành cho tôi . Tất cả đã trở thành một tài sản tinh thần không thể thiếu được của cuộc đời tôi.Hôm nay một ngày cuối tháng 9-ngày cách đây 24 năm chúng ta chia tay nhau tại TSN-Anh chị H. Ch gọi điện từ VN sang cho tôi mời về ăn cưới con,họ lại nhắc tới em. Bâng khuâng tôi viết những dòng này với một hy vọng ngày nào đó chúng ta lại gặp nhau.Nhóm 7 người đã tìm được 5 còn lại T.N và H , H ơi bây giờ em ở đâu …??? Tôi thầm gọi,sâu thẳm từ trong ký ức có hình bóng một Dòng Sông mùa Thu lặng lẽ trôi…

 Lauingen,23.09.2011


EM Ở ĐÂU ?

Đã 10 năm rồi                                          

Không được cùng em                              

những đêm Noel                                      

qùi bên tượng Chuá                                

lâm râm nguyện cầu                                

10 năm xa nhau                                        

tóc đã phai màu                                        

xa rồi tuổi trẻ                                                                                                                

xa bao hẹn hò

cứ ngỡ là mơ

giờ tôi trở lại

Chuá vẫn còn đây

từng đôi trai gái

lâm râm nguyện cầu

suốt đời bên nhau

giờ em ở đâu ?

 Nhà thờ Đức Bà SG 01.1996