Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

NGỌN LỬA MÙA ĐÔNG

Thế là bàn tay lạnh lẽo giá băng của "Thần Mùa Đông" cũng đã "sờ" đến nước Đức,ban ngày nhiệt độ ngoài trời đã xuống 2-3 độ,ban đêm thì dưới 0 độ,sáng sớm những vũng nước ven đường đã đóng một lớp băng mỏng.Từ xa nhìn về Thị trấn, trên những mái nhà nhấp nhô cao thấp,những ống khói như những điếu xì gà chổng ngược hối hả nhả khói lên trời,thôi thì đủ các màu sắc đen,nâu,xanh lam,trắng... của các loại chất đốt Than nâu,Dầu hỏa,Củi,Ga...Để sưởi ấm cho mùa đông,nhà tôi sử dụng đủ cả 4 thứ chất đốt ấy.Mấy năm trước còn sức và còn...hứng,tôi sắm cưa máy đăng ký với phòng lâm nghiệp thị trấn mùa đông vào dọn rừng kiếm củi sưởi.Ở bên Đức theo quy định của pháp luật về việc bảo vệ môi sinh,môi trường sống của động và thực vật trong rừng,chỉ vào mùa đông khi lá cây rụng hết,sinh động vật cộng cư trong rừng đã đi ngủ đông hết,mặt đất đã đóng băng, phủ tuyết người ta mới cho phép khai thác gỗ hay chặt cây dọn rừng,mà cũng chỉ gói gọn trong 3 tháng giữa đông là 12,1,2,đến đầu tháng 3 là phải kết thúc cho dù đó là rừng của tư nhân hay nhà nước,nếu trái quy định này sẽ bị phạt và phạt rất nặng.Khoảng trong hai tháng 11,12 các nhân viên kiểm lâm đi tuần rừng nơi mình phụ trách đánh dấu những cây gỗ được phép khai thác bằng hai màu sơn hồng và xanh da trời,màu hồng là cây chặt làm củi (như trong ảnh Tr vừa chụp chiều nay tại cánh rừng phòng hộ bên sông Đa Nuýp khi đi chạy bộ) còn màu xanh da trời là cây chặt lấy gỗ,đồng thời tính toán chia lô cấp phép dọn rừng lấy củi(ví như mỗi lô sẽ có bao nhiêu m3 củi),sau đó căn cứ vào số lượng người đăng ký hằng năm mà phòng lâm nghiệp cấp phép khai thác.Khi chặt xong, tất cả các loại củi to bằng bắp đùi người lớn trở lên đều phải cắt ngắn khoảng 1m xếp thành chồng ngay ngắn tại đầu mỗi lô để nhân viên kiểm lâm đi đo tính tiền sau đó mới được vận chuyển về nhà.


                                                                                    Cây đã được đánh dấu làm củi

Hồi còn đi dọn rừng, thông thường mỗi năm tôi đăng ký "mua" khoảng 5 đến 10 khối(m3),thế là được cấp một lô có chừng bấy nhiêu củi,nhưng nhờ cái tính cần cù(hay lòng tham hihi...)tôi thường chịu khó kiếm thêm bằng cách tìm cắt những cây gỗ đã bị đổ xuống chết khô từ lâu vùi trong tuyết(nhân viên kiểm lâm không đánh dấu và tính) hay những cành cây to bằng bắp chân,bắp tay(loại này không bị tính tiền),cắt xong ở đâu để nguyên đó đợi nhân viên kiểm lâm đo số gỗ được phép khai thác xếp tại đầu lô xong mới moi lên vận chuyển về nhà.Nhờ kiểu này mà số củi tôi "kiếm được" luôn nhiều hơn số lượng đăng ký mua (và phải trả tiền hihi ...).Vài năm nay do hết sức và hết hứng cộng với những quy định an toàn khi khai thác rừng ngày càng ngặt( như muốn sử dụng cưa máy phải qua một khóa học để lấy bằng,vào rừng khai thác gỗ phải có ít nhất 2 người cùng đi và phải có quần áo giày găng tay ,mũ,kính bảo hộ chuyên dụng cho ngành lâm nghiệp),nên để sưởi ấm khi đông về tôi thường đi mua lại củi người ta khai thác rồi bán hay mua than nâu,dầu tại các cửa hàng bán chất đốt.Năm nay tôi mua lại được một cây gỗ cổ thụ khoảng 200 tuổi khá lớn có chu vi thân khoảng 3m,đường kính 1m đã chết khô từ 2 năm trước.Gỗ đã khô nên quánh khó cắt và bửa,nhưng được cái bửa ra là có thể đút vào lò sưởi luôn không phải phơi 2,3 năm.Đánh vật với nó cả tuần cưa cắt,bửa cuối cùng cũng được một số củi kha khá đủ tự tin đón mùa đông lạnh giá đang về.Tối nay là có thể "Nổi lửa lên em..." ngồi bên lò sưởi nhâm nhi cốc bia + lạc rang mà " Một ngọn lửa bập bùng soi á à ha...!"...



Tôi khép cửa,mặc kệ mùa đông
Mặc kệ những nhọc nhằn,muộn phiền,tuyết băng ngoài ngõ
Xòe bàn tay nâng niu ngọn lửa
Nghe niềm vui reo tí tách trong lò
Lòng bồi hồi nhớ lại thưở ấu thơ
Đêm mùa đông bên Bà canh lửa
Hương khói bếp và bao câu chuyện cổ
Đã nuôi tôi khôn lớn nên người
Bà tôi đi về thế giới xa xôi
Thế giới của Phật,Tiên và những ước mơ không bao giờ cũ
Mùa đông xứ người tôi ngồi nâng niu ngọn lửa
Chuyện"Ngày xửa,ngày xưa..." kể tiếp cho con mình ...

Lauingen đêm mùa đông 22.11.2013
 






Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

MÙA THU

Mùa Thu ở Châu Âu nói chung và mùa Thu ở nước Đức nói riêng thật vô cùng diễm lệ và kỳ vỹ.Chỉ mới trong ít hôm những cánh Rừng,những hàng cây hai bên đường đang xanh mướt một màu bỗng khoác lên mình tấm áo choàng rực rỡ với đủ sắc màu Xanh,Đỏ ,Tím,Vàng...Bầu Trời như xanh hơn,cao hơn và trong hơn,những tia nắng vàng như ươm mật chảy xuống khắp thế gian.Không gian thật thanh bình và yên tĩnh,nghe đâu đó có tiếng Suối chảy róc rách,tiếng Gío thổi rì rào mang theo hơi lạnh trở về chạy lao xao trên những con đường mòn quanh co làm cho những lứa đôi đi dạo nép vào nhau bối rối.Đã 26 năm ,26 mùa Thu châu Âu đi ngang qua đời tôi.Nhưng cứ mỗi lần mùa Thu đến lại cho tôi một cảm giác mới lạ,ngỡ ngàng,bồi hồi và xao xuyến kèm theo một chút bâng khuâng và tiếc nuối...

KHOẢNG MÙA THU

Có phải Nắng đã trút hết màu cho lá
Mà rừng cây vàng rộm một khoảng trời ?
Có phải Gió đã dìu giá lạnh rong chơi
Người đi dạo nép vào nhau bối rối ?
Đã qua đi những tháng ngày mong đợi
Ta bên em nghe lá rụng bên thềm
Một khoảng trời ,một khoảng nắng bình yên
Khoảng yêu thương ta cho nhau trọn vẹn !

München 1994

THU CẢM

Nắng vàng ươm như Mật
Thu rót giữa Đất Trời
Ta đưa tay đón thử
Từng giọt sóng sánh rơi
Giọt thanh thanh giọng nói
Giọt vang vang tiếng cười
Giọt rưng rưng khoé mắt
Giọt nghẹn ngào bờ Môi
Giọt ngây thơ trẻ dại
Giọt lọc lõi trải đời...
Xin em hãy đón lấy
Giọt nắng Trời giùm tôi
Rồi nhen thành ngọn Lửa
Thắp sáng những niềm vui
Ta thấy mình trẻ lại
Giữa bao la Đất Trời...

Lauingen,10.2011






Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

DÒNG SÔNG MÙA THU

Có dòng Sông mùa Thu
Lặng lẽ qua Thành phố
Có dòng Sông mùa Thu
Lặng lẽ qua đời tôi
Dòng Sông qua Thành phố
In màu nước, hương Trời
Dòng Sông qua đời tôi
Để nhớ thương vời vợi
Hai sáu năm xa nước
Phiêu bạt nơi xứ người
Hai sáu mùa lá rụng
Bạc trắng những buồn vui
Chiều nay bên bến vắng
Lặng nhìn dòng sông trôi
Bao nhiêu điều muốn nói
Chẳng thể cất thành lời
Xin gửi vào dòng nước
Nỗi thương nhớ đầy vơi
Dòng Sông qua Thành phố
Ước gì Sông của tôi !

Lauingen,25.10.2013

NG.TH.TRANG


Xin tặng mọi người một tấm ảnh bến sông Đa Nuýp nơi Trang ở vừa chụp chiều nay

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Lễ Tưởng Niêm Đại Tướng Võ Nguyên Giáp tại vùng Dillingen a.d,Donau (Bayern,Đức)

Hòa cùng nhịp đập của hàng triệu trái tim người Dân Việt,vào lúc 15 giờ ngày 13 tháng 10 năm 2013, Hội người Việt và các cựu chiến binh QĐNDVN vùng Dillingen a.d.Donau (Bayern - Đức)đã tổ chức buổi Lễ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sporthalle TP Lauingen.
Mặc dù thơì gian chuẩn bị không dài, nhưng buổi lễ vẫn không kém phần trang nghiêm,long trọng ,với sự tham gia đông đảo của gần 100 bà con người Việt đang sinh sống tại Huyện Dillingen và các vùng lân cận.
Sau bài hát Quốc ca,phút mặc niệm,phần trình bày tiểu sử của Đại Tướng và những lời văn tế là những chia sẻ về kỷ niệm của các cựu chiến binh đã từng chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại Tướng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Mỗi người một tâm trạng, nhưng ai cũng ngậm ngùi, nuối tiếc về sự ra đi của Người.Bao giọt lệ tiếc thương đã tuôn chảy ướt đẫm trên khuôn mặt của những người con xa xứ.




Xếp hàng chờ vào viếng trước di ảnh tại bàn thờ Đại Tướng




Chia sẻ những kỷ niệm của CCB về Đại Tướng


VĂN TẾ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP



Hỡi ơi,

Quá trăm năm xuôi ngược bôn ba
Nửa đời người xông pha trận mạc
Lòng trăng thu vằng vặc
Dẫu xếp súng gươm vẫn đĩnh đạc tướng quân
Nay thác xuống lòng muôn dân lệ đổ

Nhớ linh xưa,

Giáng sinh vùng quê Lệ Thủy
Ngày ngày soi bóng Kiến Giang

Vốn dòng dõi Cần Vương thủa trước
Lại thêm nghề bốc thuốc cứu dân

Từ buổi ấu thơ, đọc chữ thánh hiền đã hiểu thấu nghĩa nhân
Trong cơn mộng lành, nghe chuyện giặc Tây đã thấm nhuần khí tiết

Sinh trong buổi nước nhà đổ nát, thiếu cột chống trời nên nghiêng ngả liêu xiêu
Lớn lên thấy dân chúng lầm than, vắng bóng anh hùng nên bơ vơ tan tác

Ngó xuống đường thấy lưỡi lê giặc Pháp
Những sĩ phu thân nát đầu rơi
Nhìn lên trên thấy võng lọng con trời
Những xe pháo im hơi lặng tiếng

Chẳng tham chi miếng bả công danh, trường Quốc học đã nhiều phen bãi khóa
Há sợ chi tù gông xiềng xích, lao Thừa Thiên từng một thuở dấn thân

Duyên kì ngộ chốn hồng trần gió bụi
Ai ngờ đâu có buổi trùng phùng
Anh thư lại gặp anh hùng
Tình riêng cũng thể tình chung sơn hà
Hận thay nợ nước thù nhà
Nữ nhi sớm bỏ trăng ngà trôi xuôi

Ôi,

Bước vào đời bằng nghề dạy sử, đem tích xưa mà ôn cố tri tân
Chẳng quen thân với nghiệp nhà binh, nghĩ trận mạc như mây bay gió thoảng

Có ai ngờ trong bóng tối ngọc kia vụt sáng
Bậc minh quân chọn tướng giữa trần gian

Từ mấy mươi chiến sĩ chốn cùng cốc thâm sơn
Thành ức vạn dân binh khắp xóm thôn thành phố

Tiến theo cờ đỏ
Đồn bốt đập tan
Đánh đuổi bạo tàn
Dựng nền dân chủ

Công tích ấy kể bao nhiêu cho đủ
Ngàn năm sau đã có sử sách ghi

Chỉ thương vì,

Mộng thanh bình như sương tan buổi sớm
Giặc cuồng điên lại muốn nổi đao binh

Bỏ thành đô, bắt đầu chín năm kháng chiến gian nan
Lên rừng núi, thi triển trăm ngàn mưu cơ thao lược

Những trận đánh như thế cờ lật ngược
Đổ máu xương để giành lấy chiến công
Đánh Pháp bằng giáo mác hầm chông
Quân với tướng nâng niu từng viên đạn

Trên với dưới một lòng, nguyện đuổi sạch kẻ thù cha ông từng thất bại
Trước với sau son sắt, mộng dựng xây đất nước mà thời đại ước mơ

Ôi Việt Bắc, Biên Giới, Trung Du
Những chiến dịch khiến quân thù mất ngủ

Núi rừng rực sáng trong ánh lửa
Đất trời chờ lệnh Võ tướng quân
Điều binh khiển tướng xuất thần
Tính kế bày mưu ảo diệu

Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ triều dâng thác đổ
Trái tim triệu người một khúc khải hoàn ca
Võ Nguyên Giáp từ đó là huyền thoại

Nhưng cũng bởi,

Có những kẻ chưa nếm mùi thất bại
Chưa sợ danh của bậc đại anh hùng

Nên hết Mỹ rồi Trung
Lần lượt kéo sang chuốc bại vong dưới tay Đại tướng

Than ôi,

Một ngày sung sướng là một ngày Người nghĩ về dân
Trận chiến thời bình còn đắng cay gấp vạn lần
Người chỉ nguyện lấy dân làm gốc

Thân là bậc công thần khai quốc
Đôi phen bị làm nhơ nhuốc ô danh

Những thói đời nhơ bẩn hôi tanh
Toan khỏa lấp uy danh lừng lẫy

Dẫu cho đôi mắt đã mờ, đôi tay run rẩy
Vẫn đau đáu với đời, đòi quét sạch tham ô
Tha thiết giữ gìn những chứng tích xưa
Không im tiếng trước kẻ làm bừa hại nước.

Tiếng nói của vị tướng một thời xa khuất
Nay vẫn như tiếng sét giữa trời quang
Dẫu rằng sử đã sang trang

Hỡi ôi,

Dẫu biết :"nước mắt anh hùng lau không ráo"
Chỉ thấy xót xa tiết tháo chẳng phai nhòa

Một đời chói lòa
Một đời nghĩa khí

Sống mà người bốn biển tung hô
Thác mà dân hai mắt lệ mờ

Mặc thế gian có mắt như mù
Chốn tuyền đài ngàn thu yên giấc

Hỡi ôi thương thay
Có linh xin hưởng!

( Nguồn Sưu Tầm )

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

HOÀI NIỆM KHÚC

1. Không lúc nào tôi không nghĩ về em,nghĩ về em với tất cả sự ân hận và nuối tiếc.Dẫu cho rằng em đã tha thứ cho tôi từ lâu rồi và cũngtừ lâu rồi chúng mình quay lại như thưở ban đầu : Làm những người bạn tốt của nhau !
 Cuộc đời, ôi cuộc đời ! Ngươi thật vô cùng nhân hậu nhưng lại cũng vô cùng khắt khe,nghiệt ngã.Biết làm sao được,đó là cái giá mà tôi phải trả cho những lỗi lầm :
                                          Vĩnh - viễn - mất - Em !

2. Ở bên đây đang là mùa Thu,lá vàng rụng đầy trên phố.Mùa Thu của Đất Trời và là mùa ly biệt của riêng tôi.Ba mùa Thu rồi,tôi xa em một ngàn ngày có lẻ.Thời gian ơi sao nhanh thế ?
 Sáng nay đi trên Phố nhìn lá vàng bay bỗng thấy nhớ vô cùng lá Me bay Saigon: Nhớ ngày ấy ,nhớ em ! Ngày ấy cũng giữa lá bay tôi và  em bên nhau trên Phố,lá Me bay đầy quanh ta ,rơi đấy Tóc,rơi đấy Đường.Em hát và Gió hát lẫn vào nhau : "Lá Me rơi đón chúng mình" tôi khẽ nói. "Lá Me rơi mừng riêng Anh" Em cười bảo.
 Giờ này cũng lá rơi đấy quanh tôi vàng Đất Trời chả cho ai
                                                Tôi - Cô - Đơn !

3. Ở Thành Phố mình đang còn mưa phải không em ? Mưa Saigon sao mà nhớ,người Saigon sao mà nguôi ! Em đi làm lẫn trong mưa có bao giờ bỗng chợt nhớ về Đêm mưa ngày tôi đi,,ngày chia ly ? Nhớ vai tôi ướt một bên đẫm vì mưa ,ướt một bên vì nước mắt ? Nhớ lời tôi :
"Anh xin mà ngoan nào cưng thôi đừng khóc ! " Nhớ lời em : " Anh ra đi,ngày chia ly Trời cũng khóc nữa là em !" Nhớ nụ hôn cháy trên môi mặn một đời ?...
 Ở bên đây mùa này rất ít mưa em ạ.Tôi cứ đi lang thang,lang thang hoài trong hồi tưởng sao mà thèm đến thế một lần về tắm mưa Saigon ! Biết đến bao giờ,bao giờ đây em !?
  Ôi nỗi nhớ cứ cháy hoài trong tôi trọn một đời xót xa và tiếc nuối ...!

Plauen,23.09.1990

Saigon ngày chia tay 23.09.1987

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

KÝ ỨC TRUNG THU...

Còn 1 ngày nữa là đến tết Trung Thu,tuy đã gần tuổi "tri thiên mệnh" rồi nhưng tết trung thu vẫn cho tôi một cảm giác thật khó tả vừa vui mừng,háo hức mà lại vừa mang mác buồn và tiếc nuối...
Thế là 40 năm đã trôi qua !
Nhớ lại những tết Trung thu thời thơ ấu,lòng tôi không khỏi bồi hồi.Ngày ấy còn chiến tranh,miền Bắc còn nghèo khó và gian khổ lắm.Nhất là khu 4 Thanh Hóa quê tôi lại càng gian khổ hơn,thế nhưng thời đó lũ trẻ chúng tôi cũng luôn có được những cái tết Trung thu vui tươi và ấm áp,dù chẳng có đầy kẹo bánh hay đồ chơi đắt tiền.Ngày ấy tuy chiến tranh,nhưng xã hội thanh bình người với người sống và đối xử với nhau chân tình,thân ái không phân biệt "đẳng cấp"không "sống chết mặc bay"như bây giờ.Tết Trung thu bọn trẻ chúng tôi luôn được XH quan tâm và ưu ái như có thể.
Còn nhớ,ở quê tôi ngày ấy trồng rất nhiều Dừa,Dừa bạt ngàn dọc các con đường liên thôn,liên xã,trong các vườn cây Hợp Tác Xã(HTX).Hợp Tác Xã rất ít khi thu hoạch Dừa trái,người ta để dành Dừa cho tết Trung Thu.Gần đến tết Trung Thu HTX cho người đi hái Dừa già đem về chất đống ở sân kho và thế là đến ngày rằm cứ mỗi đứa thiếu nhi được chia phần quà một quả Dừa để "ăn tết".Một quả Dừa HTX cho cộng thêm vài trái Bưởi vườn nhà và một vài cái Bánh Đa gạo mà Bà(Mẹ) mua từ phiên chợ rằm(chợ Hoàng quê tôi ngày ấy cứ 5 hôm họp một lần), là lũ chúng tôi đã có một mâm cỗ Trung thu.Đứa nào trong làng có ông hay bác(bố/anh) khéo tay làm cho một cái đèn kéo quân hay đèn ông sao thì là nhất.Đêm Trung Thu "phá cỗ" xong lũ trẻ con chúng tôi rủ nhau ra sân Đình rước đèn và chơi trăng đến tận khuya,trên tay đứa nào cũng thủ một miếng cùi dừa và một mẩu bánh đa vừa đi vừa nhai,đôi khi lại "trao đổi" cho nhau ăn thử rồi khoe" Dừa xã cho tao ngon nhất !"...
Nhưng :
"Ngày vui ngắn chẳng tày gang"
Nỗi buồn lại trải mêng mang một đời... !

Những cái tết Trung thu đơn sơ và ấm áp ấy vơi tôi cũng chẳng có nhiều.Tôi còn nhớ mãi tết Trung Thu năm 1973(lúc tôi 8 tuổi) khi tôi và lũ bạn đang vui chơi trên sân Đình thì tin dữ đã đến với gia đình : Ba tôi đã hy sinh ngoài mặt trận,xã và huyện cho người đến báo tin và chuẩn bị ngày làm lễ truy điệu.Ông Ngoại tôi tiếp các cán bộ huyện đội đến báo tin xong tất tả ra sân Đình tìm tôi.Người đứng lặng nhìn tôi vui đùa với chúng bạn rước đèn ông sao mà lệ tuôn trào trên gương mặt.Đợi tôi chơi xong Người mới vẫy tay gọi lại ôm tôi vào lòng và thốt lên "Khổ thân cháu tôi,đi về nhà với ông !".Tôi ôm cổ để ông bế về nhà,nhìn má ông ướt lệ tôi ngây thơ hỏi "Tại sao ông khóc ?",Ông đáp :"Đâu có tại ông đứng gần đèn nên con muỗi nó bay vào mắt đấy ".Hai ông cháu về nhà,nhà tôi đầy người,toàn là bà con hàng xóm sang chia sẻ,Má tôi khóc ngất lên ngất xuống ở trong buồng,bà ngoại tôi ngồi im như hóa đá ở thêm nhà,đông người,nhưng ngoài tiếng khóc vật vã của Má tôi và những tiếng sụt xịt của các bà các cô ra không gian lặng như tờ.Lũ trẻ bạn tôi nghe tin cũng bỏ chơi kéo về đứng chật trước cổng ,nhưng tuyệt nhiên chả đứa nào lên tiếng.Tôi chạy vào buồng thấy Mẹ khóc cũng ôm Mẹ nức nở,được một lúc thấy chúng bạn kéo đến đầy ngõ lại vội chạy ra.Chúng thì thào hỏi tôi : " Bố mày chết thật rồi à ?"tôi quát lên :" Nói bậy,ba tao chỉ hy sinh thôi,chết thế quái nào được,ba tao viết thư nói khi nào chiến thắng sẽ về đón má con tao về quê Nội,lại còn đem cho tao nhiều đồ chơi làm bằng vỏ đạn và xác máy bay Mỹ nữa.Tao cấm,đứa nào nói ba tao chết,có đồ chơi tao đếch cho chơi nữa nghe không !".Chúng thấy tôi nổi xung lên như thế liền im lặng.Chẳng biết là chúng sợ tôi buồn hay sợ không được tôi cho chơi cùng đồ chơi, hay là do người lớn dặn, mà sau đó tuyệt nhiên chả có đứa nào nhắc trước mặt tôi là ba tôi đã mất.Tuy vậy với tôi, đó là một tết Trung thu ấn tượng nhất trong đời,tết Trung Thu cuối cùng của tuổi ấu thơ được vui vẻ (cho đến 9 giờ tối khi những người cán bộ huyện đội xuất hiện).Sau đó tôi cũng hiểu dần điều gì đã xảy ra vối gia đình mình và từ đó với tôi không bao giờ còn chơi tết Trung Thu nữa, cho đến tận khi tôi lập gia đình rồi có con.Tuy ở xa quê hương,nhưng không muốn những đứa con mình lại bị mất những tết Trung Thu thơ trẻ,tôi và vợ(và sau này cùng mọi người trong Hội người việt)đã tổ chức đón những Tết Trung Thu xa xứ cho con trẻ.
Cầu mong cho trẻ con trên trái đất này có những mùa tết Trung Thu vui tươi,ấm áp !
Với tôi, tết Trung Thu của tuổi thơ đã dừng lại từ 40 năm trước !...

Lauingen,18.09.2013

Trung Thu tang tóc 1973

Con trai út(ngoài cùng bên phải) đang thắp đèn chơi Trăng cùng các bạn 
Trung Thu 2012

Con trẻ rước đèn

Các bậc phụ huynh đốt lửa trại và kể chuyejn Trung thu ngày xưa




Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

TÔI ĐI BẦU CỬ...

Đúng 1 năm sau khi trở thành công dân Đức,hôm nay mình được cầm lá phiếu đi bầu cử(bầu nghị viện Bang Bayern và Hội đồng tỉnh Nordschwaben nơi mình sống).Gần 50 tuổi đầu,đây là lần thứ 2 trong đời mình đươc thực hiên cái quyền công dân caocả này(lần đầu cách đây khoảng 30 năm tại VN).Thằng cu thứ hai đi theo mình ra phòng bỏ phiếu đứng nhìn mình gạch vào từng lá phiếu bầu rồi hỏi :"Đi bầu cử có thích không ba ?",mình trả lời nó "Đây là quyền và nghĩa vụ con trai à,lớn lên con sẽ hiểu !".Nó gật gù nhưng im lặng,chả biết nó có hiểu những gì mình vừa nói hay không.Còn mình,tay cầm lá phiếu bầu mà bao cảm giác lẫn lộn khó tả.Nhớ năm ngoái khi vừa nhận quyết định thành công dân Đức bà xã cũng hỏi cảm giác của mình như thế nào,mình trả lời bằng mấy câu thơ : "...Vì mơ quyền công dân /Anh trở thành người Đức/Chả biết vinh hay nhục /Mà bảo vui hay buồn/Chỉ nghe xác và hồn /Hình như đang ly biệt ".Viết mấy câu đó lên FB,có người quen đọc rồi nhắc nhở : " Sao chú lại viết như thế,bộ chú cứ phải có quốc tịch Đức thì mới có quyền công dân à ?".Mình cười khổ : "Có lẽ vậy nhưng không phải vậy...".Haizz ...! Đúng là được đi bầu cử cũng là một quyền cơ bản trong các quyền công dân,nhưng những người như mình phải sống xa đất nước có bao giờ được thực hiên cái quyền đó đâu,mặc dù vẫn cầm hộ chiếu VN là công dân VN.Ở các nước khác,người dân dù có sống ngoài đất nước,chưa rời bỏ quốc tịch nước mình,đến kỳ bầu cử (quốc hội,hội đồng tỉnh,huyện )họ vẫn được tham dự bằng cách bỏ phiếu bằng thư qua các cơ quan đại diện ngoại giao.Nhưng VN mình thì không ! Nhớ có lần được mời lên TLS quán nghe ông Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn nói chuyện về nghị quyết 36 của Bộ Chính Trị ĐCSVN với kiều bào đang sống xa quê hương,mình và một số các anh chị trí thức VK có đặt vấn đề này với ông Thứ trưởng,ông nghe xong cũng cười trừ bảo tại nước mình chưa có luật như thế và hứa sẽ đem vấn đế này trình bày với các cơ quan có thẩm quyền trong nước.Chả biết khi về nước ông có nhớ và trình bày lại hay không,nhưng cho đến nay 3-4 năm đã trôi qua vẫn chả nghe thấy có quy định nào cho công dân VN đang sinh sống tại nước ngoài mà vẫn mang quốc tịch VN được thực hiện cái quyền cơ bản này.Có thể vì bận rộn với cuộc sống mưu sinh nơi xứ người,những người Việt chúng ta chả bao giờ nghĩ đến nó,nhưng dù sao đó cũng là một quyền cơ bản của quyền con người(công dân). Hy vọng một ngày nào đó những người CÔNG DÂN VIỆT NAM đang sống xa Tổ Quốc sẽ được thực hiên cái quyền này !



Lauingen,den 15.09.2013

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

HỨNG DỪA

"Khen ai khéo dựng nên dừa
Đấy trèo ,đây hứng cho vừa một đôi "

Những là gái dưới ,trai trên
Ưỡn ra hứng quả NHÂN DUYÊN giữa trời
Hồn bay theo gió lả lơi
Kẻ tung người hưng mặc đời dọc ngang
Sướng vui có thiếp,có chàng
Cần chi tới chốn địa đàng xa xăm !

Lauingen 14.Sep.2013


Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

4 ngày ở Istrien - Kroatien

Nghỉ lễ ngày thứ 5(15.08)-ngày Đức Mẹ lên trời(Maria Himmelrfährt)theo Thiên Chúa giáo- bắc cầu qua ngày thứ 6 nữa là được 4 ngày.Loanh quanh hoài ở nhà mãi cũng chán,nhận lời "rủ rê" của mấy người bạn, tôi và gia đình lên xe làm một chuyến du lịch biển.Chỗ tôi ở thuộc bang Bayern miền nam nước Đức,coi như nằm giữa Châu Âu,đi ra biển hướng nào cũng xa.Tuy Châu Âu đang là giữa mùa Hè,nhưng nếu lên biển bắc (Nordsee hay Ostsee)hay sang biển tây(Atlantik)đều rất lạnh và thời tiết xấu.Chúng tôi chọn xuôi nam xuống Kroatien(Địa Trung Hải).Từ chỗ tôi ở xuống Kroatien khoảng hơn 700 Km đi qua Áo và Slovanien. Xuất phát lúc 1h00 sáng, băng ngang dãy Alpen,sau 7 tiếng đồng hồ chúng tôi đã đến nơi,nơi chúng tôi chọn nghỉ đó là bán đảo Istrien nằm ở phía tây bắc Kroatien(một trong 21 tỉnh của Kroatien) bên bờ vịnh Adria thuộc biển Địa Trung Hải.Đã hơn một lần đến với Địa Trung Hải,nhưng lần đến này vẫn cho tôi một cảm giác vô cùng mới mẻ,thích thú.Lẽ dĩ nhiên ngoài yếu tố khí hậu tuyệt vời,bề dày lịch sử đầy lý thú của vùng đất này ra,con người cũng góp một phần vô cùng quan trọng tạo ra những ấn tượng tốt đẹp cho chúng tôi.Khác với những người hàng xóm láu lỉnh và bẻm mép Italien,France hay ngay cả những người gốc Kroatien mà chúng tôi thường gặp ở Đức.Người Kroatien bản địa khá trầm lặng và hòa nhã,thật thà và chất phác.Có thể nói dọc theo bán đảo Istrien mỗi ngôi làng nằm trên bờ biển là môt khu du lịch đông đúc(làng Vrsar nơi chúng tôi trú có dân số 2.700 người, nhưng lúc cao điểm đón tới 70.000 khách du lịch)với cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch khá tốt không hề thua kém các khu du lịch tại các nước Châu Âu phát triển khác.Tại Rom,Venedig,Nizza, Marseille hay thậm chí ở Paris hoa lệ chúng tôi còn sợ bị móc túi,trộm cắp hay nói thách,lừa đảo chứ tại Istrien ta có thể hoàn toàn yên tâm về những điều này,đường phố sạch sẽ,không có nạn đeo bám mồi chài hay bán hàng rong,đặc biệt chả bao giờ thấy bóng một người Cảnh sát lai vãng,người dân và khách du lịch tự giác chấp hành các qui định của chính quyền."Chúng tôi muốn làm tất cả những gì có thể tốt nhất để khách du lịch hài lòng và còn muốn quay trở lại thêm nhiều lần.Bởi du lịch là nguồn thu nhập chính nuôi sống chúng tôi !..."- một người dân bản địa đã nói với tôi như vậy.Lang thang trên các đường phố của những khu du lịch ở bán đảo Istrien,lòng tôi chơt lặng xuống với bao suy nghĩ,ưu tư về du lịch Việt Nam.Biết đến bao giờ những người làm du lịch Việt Nam nói riêng và người dân Viêt Nam nói chung có được những suy nghĩ như những người dân Istrien-Kroatien này ?








Ba ngày 4 đêm ở Istrien tuy không dài,ngoài việc thả mình bơi lội trong làn nước trong xanh hay phơi người dưới ánh nắng dịu dàng của trời Địa Trung Hải ra, theo thói quen,tôi cũng cố gắng đến thăm một số di tích lịch sử của vùng đất này.Cũng như toàn bộ bán đảo Ban Căng,Kroatien nói chung và vùng Istrien nói riêng có một bề dày lịch sử đáng nể và đáng được quan tâm.Từ hơn 5000 năm trước đã có những bộ tộc dân cư đầu tiên đến đây sinh sống,rồi người Hy Lạp cổ,người La Mã...Những thành quách,lâu đài cổ được xây bằng đá theo kiến trúc Hy Lạp,La Mã cổ vẫn còn tồn tại mãi với thời gian như là lời chứng minh hùng hồn nhất.Đến Pula-thành phố lớn nhất của bán đảo Istrien,một hải cảng quan trọng của Kroatien từ bao đời- tôi có cảm tưởng như đang ở Thủ đô Roma của nước Italien,bởi những kiến trúc kiểu Italien có khắp mọi nơi ,từ khu phố cổ cho đến ngoại ô.Đặc biêt ở đây còn có một đấu trường La Mã cổ còn khá nguyên vẹn,to lớn không thua đấu trường ở Roma,rồi đền thờ Augustus sừng sững giữa trung tâm thành phố với những cột đá cao vời vợi.Lịch sử của Bán đảo Istrien cũng khá lý thú nó được ví như quả bóng chuyền hết từ chân người này sang chân người khác, với những thăng trầm,dâu bể mấy ngàn năm...Đầu tiên là trong chân người Hy Lạp cổ và người La Mã mấy ngàn năm,hết đế quốc La Mã cổ đến Đế quốc La Mã thần thánh con cháu của Karl đại đế,rồi gia nhập vương quốc Venezia(Ý),bị đế quốc Ottmann(Thổ nhĩ kỳ),đế quốc Áo-Hung chiếm đóng mấy trăm năm.Đầu thế kỷ 20 độc lập đươc mươi năm lại rơi vào tay nước Đức phát xít và sau đó nhập vào Liên Bang CHXHCN Nam Tư cho đến năm 1991 thành một tỉnh của nước CH Kroatien ngày nay.Mỗi một thời kỳ"trong chân" người khác,mảnh đất này lại được để lại môt "dấu ấn" với thời gian,hoặc là di tích Vật thể,hoặc là di tích phi vật thể.Nên không lạ, với dân số chỉ hơn 200.000 người mà có tới 12 dân tộc và 4 tôn giáo khác nhau(Thiên chúa La Mã,Tin Lành,Chính thống giáo,Đạo Hồi )cùng tồn tại trên diện tích 2800 Km2.Ngôn ngữ ở đây ngoài ngôn ngữ chính là tiếng Kroatien,Serbien ra còn có 3 ngôn ngữ thông dụng khác là tiếng Ý,Đức và Anh.



Ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi qua mấy ngày nghỉ này ngoài Đất Trời,con người Istrien ra còn có một câu chuyện về tình người có liên quan đến Việt Nam.Ở Vrsar tôi đã gặp Peter Zankic,ông là một Kiến trúc sư,một chuyên gia về kiến trúc Đá đã về hưu.Hai chục năm trước,trên bước đường công tác của mình ông đã đến Viêt Nam làm việc 18 tháng tại Đà Nẵng.Ở đó ông đã gặp,yêu rồi kết hôn với một người phụ nữ Viêt Nam,họ có với nhau 2 đứa con trai.Công việc đưa ông đi đây đó khắp lục địa Châu Á,dĩ nhiên là cùng với người vợ Viêt và hai cậu con trai.Họ có 12 năm sống hạnh phúc bên nhau cho đến khi ông nhận quyết định nghỉ hưu,cả gia đình đưa nhau trở về Istrien quê hương ông sinh sống.Được vài năm không hiểu vì nhớ quê hương hay vì một lý do nào khác người vợ(mẹ) Việt đã chia tay Bố con ông trở lại quê nhà VN và từ đó đến nay ông làm người đàn ông vọng...thê,các con ông thì vọng... Mẹ ! Vì tuổi cao,sức yếu,không có tiền để đưa các con về thăm mẹ,thăm quê ngoại,ông và các con đành ôm một nỗi nhớ thương trong lòng.Ông nuôi những đứa con trai mình khôn lớn bằng một tình yêu vô hạn với Viêt Nam với người vợ đã rời bỏ cha con ông.Tuy không biết tiếng Việt nhưng ông luôn khuyến khích các con mình nói chuyện với nhau hằng ngày bằng tiếng Việt để cho chúng đừng quên tiếng... Mẹ đẻ ! Những năm gần đây do điều kiện đi lại thông thoáng,có nhiều người Việt định cư ở các nước Châu Âu sang du lịch tại Vrsar quê ông,ông thường lân la làm quen hay nhờ anh em họ hàng giới thiêu làm quen để các con mình có cơ hội nói tiếng Việt.Chúng tôi gặp bố con ông là như thế,qua người em trai làm nghề lái tàu du lịch giới thiệu.Tuy mới gặp nhau lần đầu,nhưng giữa chúng tôi và bố con ông dường như không có khoảng cách xa lạ,mà trái lại vô cùng thân thiết như những người bạn đã quen từ lâu.Chúng tôi vô cùng cảm động khi nghe hai đứa bé kể lại những kỷ niệm của chúng về mẹ,về những món ăn Việt Nam mà ngày xưa mẹ chúng thường hay nấu cho cả nhà ăn.Ước mong của cả hai anh em là lớn lên đi làm có tiền để về VN gặp mẹ,với Leo- cậu anh- thì điều đó có lẽ không còn xa nữa bởi năm nay Leo đã 18 tuổi và đang đi học nghề.Những bà vợ của chúng tôi đã giúp hai anh em Leo,Theo vơi bớt nỗi nhớ quê ngoại bằng món thịt kho VN mà chúng hằng mong ước được ăn.Khỏi phải tả lại sự cảm động của Bố con ông Peter Zankic và những lời cám ơn mà họ dành cho chúng tôi.Chúng tôi cũng cám ơn ông vì những tình cảm đã dành cho VN cho chúng tôi trong 3 ngày ở tại Istrien.
Chia tay Bố con ông,tạm biệt Istrien, chúng tôi về Đức kết thúc mấy ngày nghỉ với những ấn tượng khó phai về đất và người nơi đây.Vâng hẹn Ông,hẹn Istrien lần sau chúng tôi sẽ trở lại !

NHỚ MẸ
Mến tặng ông Peter Zankic cùng hai cháu Leo và Theo Zankic

Con thèm nghe tiếng Mẹ
Ôi tiếng Việt thân thương
Tiếng nói một quê hương
Ru con từ thưở bé.
Bao năm rời xa mẹ
Con ở lại cùng cha
Xác Âu,nhưng hồn Việt
Chẳng biết đâu quê nhà
Con thèm vòng tay mẹ
Thèm rau muống,dưa cà
Thèm thịt kho,mắm cá
Giản dị mà vợi xa
Giản dị mà vợi xa
Con ngày Âu,đêm Việt
Nhớ mẹ nhiều da diết
Biết bao giờ cho nguôi ?

Lauingen,den 21.08.2013(15.07 ÂL)

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

VỀ BẾN SÔNG SEINE


                  Anh đưa em về bên bến sông Seine
     Thò tay vớt kinh thành hoa lệ 
Nhè nhẹ thôi em à,thật nhẹ
              Kẻo vỡ tan hết cung điện ,đền đài

Paris  30.05.2013









Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

NHỚ BẰNG LĂNG HANOI

                                               
                                                Bằng Lăng Hanoi nở...



                             Em nhớ chăng Hanoi mùa này ?
                       Bằng lăng nở tím trời thương nhớ
                       Từng lứa đôi dập dìu bỡ ngỡ
                       Công viên dài màu hoa tím bay bay...

                             Xứ người 12.05.2013



Tím công viên


Tím Phố...

Tím trời

Mothersday !

Chủ Nhật 12.05.2013- là ngày khắp Thế giới (gần như) tôn vinh là ngày của Mẹ(Mothers Day - Muttertag).Nguồn gốc ngày này xuất xứ từ nước Mỹ,cách đây gần hai Thế kỷ vào năm 1865 một người Phụ nữ Mỹ tên là Ann Maria Reeves Jarvis Bà có ý tưởng thành lập nên một phong trào Phụ nữ mang tên Mothers Friendships Day nhằm mục đích gặp gỡ,an ủi, tôn vinh các Bà Mẹ đã có con ngã xuống trong cuộc chiến tranh nội chiến Mỹ  và mong muốn những đứa con trai của mình không bao giờ còn phải ngã xuống vì các cuộc chiến tranh.Ý tưởng này của Bà  được người con gái của mình tên là Methodistin.A.M.R.Jarrvis kế tục ,vào ngày 12.05,1907 tại Grafton-Mỹ bà Methodistin đã tổ chức một buổi lễ mang tên Memoria Mothers Day Meeting.Với sự cố gắng phi thường,những năm sau đó bà đã vận động và phối hợp với Nhà thờ đứng ra tổ chức các buổi lễ thường niên tưởng niệm các Bà Mẹ vào ngày Chủ Nhật thứ 2 trong tháng 5.Trong buổi lễ ấy Bà đem đến 500 bông hoa Cẩm Chướng trắng(loại hoa mà lúc sống Mẹ bà rất thích) tặng tất cả mọi người tham dự như là một biểu tượng nhằm tưởng nhớ đến người Mẹ đã khuất.Bằng sự vận động không ngừng của Bà, vào năm 1914 Quốc Hội Mỹ đã thông qua một đạo luật công nhận ngày Chủ Nhật thứ 2 trong tháng 5 là ngày Vinh danh các Bà Mẹ.Từ đó ý nghĩa và mục đích của ngày này đã lan rộng khắp nơi trên thế giới được mọi người(và các Chính Phủ) công nhận là ngày Vinh danh các Bà Mẹ - Mothers Day - Muttertag.Cũng cần phải nói thêm khi ngày này được người Nhật công nhận,người ta đã thêm vào một biểu tượng là sẽ tặng những bông hoa Cẩm Chướng màu trắng cho những ai không còn Mẹ và ngược lại là những bông Hoa Cẩm Chướng màu Đỏ cho những ai còn Mẹ.Năm 1962 khi Thiền Sư Thích Nhất Hạnh sang Nhật dự một Hội nghị Phật Giáo, vì không còn Mẹ ông được gài một cành hoa Cẩm Chướng màu trắng lên ngực trái phía trái Tim để tưởng nhớ Mẹ.Khi về VN ông đã viết nên một áng Văn Xuôi "Bông Hồng cài Áo" và được Nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ cảm xúc sáng tác nên Nhạc phẩm nổi tiếng " Bông Hồng cài Áo".Từ đó, tuy ở VN mình chưa công nhận ngày Vinh danh Mẹ nhưng theo truyền thống Phật Giáo người ta đã áp dụng phong tục đẹp đẽ này vào ngày Lễ Vu lan báo hiếu hằng năm.Chỉ có khác thay hoa Cẩm Chướng bằng hoa Hồng.
Nhân ngày Mothers Day-Muttertag- Ngày của Mẹ, xin chép lại một bài thơ T đã viết cách đây 16 năm khi trở lại VN thăm Mẹ mình sau 6 năm xa cách.Coi như đó là một món quà nhỏ tặng Mẹ thân yêu và tất cả các Bà Mẹ VN có hoàn cảnh như Mẹ T: Mất  Chồng trong Chiến tranh.

Lauingen,12.05.2013


MẸ

Hai mươi năm rồi kết thúc cuộc chiến tranh
Ba mươi năm Mẹ sống trong chờ đợi
mỗi năm qua Trời cho thêm một tuổi
Cha không về Mẹ sống giữa cô đơn
Đồng Hồ buông thong thả những giọt buồn
khói Nhang bay vào không gian vắng lặng
Hoa nở thơm tren bàn thờ năm tháng
như lòng người trọn vẹn thủy chung
bao nỗi đau Mẹ đã đi tới tận cùng
mái tóc xanh giờ bồng bềnh Mây trắng
Chiến tranh qua tất cả thành quên lãng
Mẹ vẫn còn một nỗi nhớ khôn nguôi.


Làng Viềng Tết ÂL 1996


Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Fathers Day !

     

Hôm nay khắp nước Đức người ta hân hoan chào mừng ngày Vatertag- Father's Day- Ngày của Cha - Ngày vinh danh các ông Bố,ngày những người con được dịp chứng tỏ sự biết ơn và hiếu kính của mình với đấng sinh thành bằng những bó Hoa,những món quà và những lời chúc mừng.Còn những ông Bố thì tự thưởng cho mình một ngày vui vẻ bên gia đình cùng vợ con hay là nâng cốc say sưa cùng bạn bè đến "quắc cần câu" mà không sợ bị ai cằn nhằn hay la rầy.Theo thống kê của Cục thống kê Đức ngày hôm nay là ngày mà lượng Bia Rượu được tiêu thụ nhiều nhất trong năm và cũng là ngày có nhiều vụ tai nạn do Bia,Rượu gây ra nhất (gấp 3 lần ngày thường !).


                                                                                                                                                                              Ngày của Đàn ông ( Vatertag -Herrentag )
                                                                                                                                                                              
Tha hồ bí tỷ mà chẳng sợ ai !...

Cũng như Ngày của Mẹ,nguyên ủy ngày của Cha- Fathers Day đều xuất phát từ Mỹ,nhưng khi được "phát tán" đi các nước khác thì người ta lại căn cứ theo phong tục tập quán vùng miền mà quy định vào những  ngày khác nhau.Ví như ở Mỹ,Pháp,Trung Quốc,Nhật Bản,Thổ Nhĩ Kỳ  là vào ngày Chủ Nhật thứ ba của tháng 6 hằng năm ,còn ở Đức là ngày Christi Himmelfahrt(ngày Chúa về trời),một số nước Châu Âu khác như Ý,Tây ba Nha,Kroatien,Bồ đào Nha thì lại lấy ngày 19.03... Số là trong thời chiến tranh nội chiến Mỹ 1861-1865 chàng trai trẻ William Jackson Smart , khi ra chiến trường đã để lại sau lưng mình người vợ trẻ bụng mang dạ chửa cùng 5 đứa con thơ tại một làng quê thuộc Bang Washington.Sự vất vả của thời chiến khi phải thay chồng nuôi nấng 5 đứa con cộng nỗi lo lắng,nhớ thương người Chồng nơi hòn tên mũi đạn đã khiến Vợ ông kiệt sức,bà đã mất khi sinh hạ đứa con thứ 6.Thật trớ trêu "... Không chết người trai khói Lửa,mà chết người em nhỏ hậu phương ...".Hết chiến tranh ông W.J.Smart quay về nhà thì người vợ yêu đã trở thành người thiên cổ ! Đau đớn trước cái chết của Vợ,thương đàn con nhỏ 6 đứa côi cút,ông quyết tâm ở vậy suốt đời không đi bước nữa nuôi chúng trưởng thành.Cảm phục ý chí và vô cùng biết ơn công nuôi dưỡng của Cha ,khi tham gia phong trào  vận động vinh danh các Bà Mẹ, bà Sonora Smart Dodd  đã nảy sinh ra ý tưởng tổ chức một ngày lễ vinh danh những người Cha đã hết lòng hy sinh vì con cái như Cha mình.Được sự ủng hộ của bạn bè và người thân bà đã tiến hành một cuộc vận động trên khắp các Tiểu bang miền Bắc Mỹ ,kết quả là ngày 19.06 năm 1910 một buổi lễ vinh danh những người Cha-Fathers Daylần đầu tiên đã được tổ chức tại Spokane -  Wahington và liên tục trong những năm tiếp theo những buổi lễ như vậy được tổ chức rồi vận động nhà nước công nhận.Năm 1924 Tổng thống Calvin Coolidge đã ký một sắc lệnh cho phép  lấy ngày 19.06 làm ngày vinh danh những người Cha,năm 1966 Tổng thống B.Johnson đã ký sắc lệnh qui định ngày vinh danh những người Cha sẽ được tổ chức thống nhất trên toàn nước Mỹ vào ngày Chủ nhật thứ ba của tháng 6 hằng năm,năm 1974 Tổng thống R.Nixon đã ký một đạo luật (Public Law 92-278) công nhận ngày vinh danh những người Cha là quốc lễ ( National Fathers Day ).Ở nước Đức(và Châu Âu)ngày lễ vinh danh những người Cha đã được "du nhập" vào những năm cuối của thập kỷ 20.Do ảnh hưởng của văn hóa Thiên Chúa giáo và của Nhà thờ Thiên Chúa giáo năm 1934 Chính phủ Đức lúc đó đã ban hành quyết định công nhận ngày lễ vinh danh những người Cha vào ngày mà Thiên Chúa giáo coi là ngày Chúa Jesu lên trời- Christi Himmelfahrt- là ngày quốc lễ.Từ đó cho đến nay ngày Thứ năm - Christi Himmelfahrt -  trở thành một ngày quốc lễ .Với một ngày thứ 6 nghỉ phép bắc cầu là các ông Bố ,các đấng Nam nhi có cho mình và gia đình 4 ngày nghỉ thoải mái.Khi nước Đức bị chia cắt sau chiến tranh,phần lãnh thổ phía đông ngày Vatertag-Christi Himmelfahrt- Herrentag vẫn được chính phủ DDR công nhận là ngày quốc lễ cho đến năm 1966 thì hủy bỏ(cấm ?).Tuy vậy trong dân gian người ta vẫn lặng lẽ tổ chức ngày này,những người đàn ông vào ngày này vẫn được phép say sưa bí tỉ mà không bị la rầy ,cần nhằn gì cả,vẫn được những đứa con chúc mừng và tặng quà .Thế mới biết cái gì đã thuộc về Nhân dân mang tính nhân văn sâu sắc rồi thì chả có sức mạnh hay bạo quyền nào ngăn cấm nổi !
T có hai đứa thằng con trai,chúng đều sinh ra và lớn lên tại Đức,nên việc bị ảnh hưởng bởi văn hóa Đức là điều không thể nào tránh khỏi,trong đó có việc nghĩ đến Cha mẹ trong những ngày lễ của Mẹ hay của Cha theo phong tục Đức.Hằng năm cứ đến ngày lễ của Cha T lại đươc anh em chúng bí mật tặng cho một món quà nho nhỏ.Năm nay cũng không ngoại lệ,tình cờ T nghe lỏm được 2 đứa bàn với nhau năm nay tặng quà cho Daddy .Nghe mà lòng T cảm thấy rưng rưng " vui sao nước mắt lại trào...",vui vì tình cảm của hai đứa con dành cho mình,vui vì chúng hạnh phúc hơn mình,chúng còn có một người Cha bằng Xương bằng Thịt hiện diện trên đời để chúng có cơ hội tặng quà và chúc mừng.Nói tóm lại là vui vì Phụ Tử tình thâm. 
                                                                 

Bữa sáng mừng ngày Vatertags hôm nay  do con trai bé dọn

Thực ra tình Phụ Tử T chỉ hiểu và có được từ khi có những đứa con này trên đời.Còn trước đó làm gì có cơ hội ! T cũng có 1 người Cha,khi T vừa tròn 2 tháng tuổi thì ông đã cởi áo Blu trắng khoác chiến bào "cầm dao mổ trong tay,xẻ dọc Trường Sơn... " về chiến đấu tại quê nhà,một lần ra đi cho mãi mãi.Ông đã" thỏa chí nam nhi đền nợ nước " chỉ khổ cho T ở lại vĩnh viễn suốt đời không bao giờ được biết mặt Cha,không bao giờ được biết đến tình Phụ Tử.Ngày xưa lúc còn bé nhìn những đứa bạn bên nhà chúng được Cha âu yếm hay thậm chí  mắng chửi mà thèm chỉ ước sao mình cũng được có hạnh phúc như vậy .Nhưng biết làm sao được âu cũng là do cái số,do Chiến tranh gây ra ! Cuộc đời lắm khi cũng vô cùng trớ trêu,tàn nhẫn và bất công.Ở bên kia bán cầu hai ông Tổng thống ký ban hành các đạo luật cho phép những người con Mỹ được vinh danh Cha mình thì cũng chính là hai ông đó ký các quyết định đem Bom Đạn đi hàng nghìn Km giết chết cơ hội được vinh danh Cha của những người con Việt Nam !
Hai mươi hai năm cuộc đời T sống và lớn lên ở VN,thì có tới 12 năm kể từ khi thống nhất đất nước(1975) đến khi sang Đức(1987) theo Mẹ xuôi Nam ngược Bắc đi tìm,hỏi nơi hạ lạc của Cha,đủ mọi nơi,đủ mọi người,nhưng vô vọng.Khi T đi sang Đức rồi một mình Mẹ ở lại vẫn âm thầm tìm kiếm,cho tới năm 1999 thì nhận được một công văn trả lời của phòng chính sách Quân Khu 9: " do điều kiện chiến tranh,do sự bất cẩn của những người làm công tác quy tập mộ Liệt sỹ, hài cốt của Liệt sỹ... đã bị lẫn lộn giữa hơn 30 chục hài cốt trong các ngôi mộ vô danh nằm tại Nghĩa trang Châu Đốc An Giang ".Thế là hết,hết hy vọng tìm thấy Cha dù chỉ là một chút...hài cốt ! Trong cơn tuyệt vọng,đớn đau T đã cầm bút gởi nỗi niềm của mình vào mấy câu thơ nhỏ "Tìm Cha".
Là một kẻ vô thần,chỉ tin vào những gì mình nhìn thấy và chứng kiến, không tin vào sự bí ẩn của thế giói Tâm linh,nhưng rồi có lúc T cũng phải thừa nhận những sự diệu kỳ trong cuộc sống có mang màu  Tâm linh.Ấy là vào năm 2001, khi Bà Nội T tại quê ốm nặng,bình thường bao nhiêu năm Mẹ con T muốn đón Bà lên Thành Phố HCM sống cho tiện bề chăm sóc,nhưng Bà dứt khoát không chịu vì không muốn xa quê sống nơi đất khách quê người.Lần này ốm nặng, Bà lại muốn lên Thành phố chỉ với một lý do "Tao sắp được gặp Cha thằng T !?..." Mọi người thuê xe cấp cứu về TP Long Xuyên đón Bà lên TPHCM nhập viện.Bằng sự quen biết và với tiêu chuẩn Lão thành CMKC,Mẹ VNAH Bà sẽ được vào điều trị tại Bệnh Viện Thống Nhất,nhưng mấy chiến hữu cũ của Cha T lại tha thiết muốn đón Bà vào điều trị tại viện Quân y 175 nơi mà một trong hai tiền thân của nó thời KC là  bệnh viện cũ của  Cha  .Vào đó được 3 tuần thì Bà mất,trong những ngày nằm điều trị cả những lúc mê hay tỉnh Bà đều gọi tên Cha  và nói rằng Cha đang đi lo thủ tục đón Bà.Ngồi bên Bà , những lúc Bà tỉnh táo T bảo " Cha con đã mất lâu rồi,bây giờ xương cốt nằm ở tít dưới Châu Đốc lẫn lộn hết trơn, chả biết đâu mà tìm nữa làm sao mà về đón Nội được ?" Và đọc cho Bà nghe bài thơ T đã làm năm 1998,Bà nghe rồi nói : "con đừng nghe tuị nó nói láo,Bà sắp gặp Cha con rồi nó ở gần đây lăm,sắp về đón Bà rồi  ! ".
Chả hiểu bằng sự mẫn cảm của người cận tử Bà đã nhìn hay nghe được những gì từ thế giới Tâm linh huyền bí,nhưng khi Bà mất bao nhiêu đồng đội chiến hữu của Cha T thời KC đã tìm về thăm viếng giúp lo liệu mọi thủ tục tang lễ, nơi an táng,rất nhanh chóng và suôn sẻ.Điều diệu kỳ nữa,qua họ gia đình T đã được biết những  thông tin chính xác về ngày giờ mất và nơi an táng của Cha.Trong sự đau buồn,mất mát ,rủi ro lại có một cơ may : Chúng tôi đã tìm được Cha sau hai mươi lăm năm tìm kiếm vô vọng.
Hôm nay ngày Vinh danh những người Cha-Vatertag-Fathers Day lần giở lại miền ký ức về  những tháng ngày đã qua,bất chợt trong T lại vang lên những câu thơ "Tìm Cha " ngày nào.Xin chép lại đây coi như một lời tri ân đấng sinh thành - người Cha thân yêu mà T mãi mãi không bao giờ biết mặt - và cầu mong cho tất cả những người con có hoàn cảnh như T cũng sẽ có cơ hội tìm lại được Cha mình dù chỉ là một... chút cốt khô !
Cầu mong cho Thế giới này tất cả những đứa con sẽ luôn có cơ hội được vinh danh Cha và nói những lời yêu thương với Cha trong ngày Vatertag-Fathers Day !
 

Lauingen, 17.05.2012 - 09.05.2013  
Bài đăng lại từ Yahooplus Blog viết năm 2012


TÌM CHA


Con đi tìm đủ khắp mọi nơi
Dò hỏi biết bao người mà chẳng tìm thấy Cha
Nếu còn sống Cha còn tất cả
Ngã xuống rồi tất cả hóa vô danh
Gió ù ù thổi rỗng cả Trời xanh
Con tìm Cha chưa một lần biết mặt
Mẹ tìm Cha mỏi mòn con mắt
Nội tìm Cha tan nát Ruột Gan
Lời nguyện cầu gửi theo đám khói Nhang
Cha ở nơi nao Bờ cây,bụi Cỏ ?
Xứ mình ,xứ người Rừng xanh Núi đỏ ?
Có linh thiêng chỉ lối con tìm
Hai lăm năm rồi tiếng súng đã lặng im
Bao vết thương lòng chưa hề khép miệng
Mà lòng người đã vội vã lãng quên
Chả ai chỉ giùm con nơi nào Cha về Đất
!

Đêm nhớ Cha  06.1999