Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

CÓ MỘT THỜI TA MẶC ÁO XANH !...


26.03 Sinh Nhật Đoàn,bỗng nhớ lại một thời mặc áo xanh,thời của tuổi trẻ,tình yêu,niềm tin,khát vọng và lý tưởng...


Có tấm hình thời ấy- Mùa Xuân năm 1989- mình mặc Áo xanh(áo của Đoàn viên FDJ) đại diện cho Thanh niên VN sống tại Plauen đi diễu hành mừng lễ kỷ niệm 40 năm thành lập nước DDR trên đường phố Berlin(người thứ 4 từ phải qua cạnh bạn Tây cầm quả bóng bay).24 năm đã qua,DDR không còn,tuổi trẻ,tình yêu,khát vọng và niềm tin,lý tưởng cũng đã xa.Cầm tấm ảnh trên tay mà lòng bồi hồi,ngậm ngùi,thương nhớ...! :

Có một thời ta mặc áo xanh
Trái tim trẻ sục sôi bầu máu nóng
Tuổi 20 đầy niềm tin,hy vọng
Cùng triệu bàn Chân rầm rập lên đường
Có một thời,sống vì lý tưởng
màu Áo xanh - diễm tuyệt tình đầu
thời hạnh phúc và thời của nỗi đau
Đã qua rồi không bao giờ trở lại
Giờ ngồi ngắm những ngày xưa thân ái
Kỷ niệm còn nguyên mà xa cách muôn trùng 
Mắt nheo nheo ta tìm ta trong ảnh 
Miệng mỉm cười mà sao dạ rưng rưng…

26.03.2013

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

“CHẢ CÓ GÌ LÀ MÃI MÃI”


Bạn bảo tôi “chả có gì là mãi mãi ! “
Chả có gì tồn tại với thời gian
Hoa nở rồi tàn
Mặt Trời mọc rồi lặn
Đã thành quy luật
Chả có gì vĩnh viễn 
Chả có gì bất biến
Chả có gì muôn năm…
Tôi cầm tấm ảnh thời thanh xuân
Gí khuôn mặt mình vào Gương tìm một chút gì trong đó
Vệt thời gian nham nhở
Bụi thời gian phủ đầy
Gánh thời gian nặng trĩu hai vai
Tôi ? Chả phải tôi ?
có thể bạn đúng rồi
“Chả có gì là mãi mãi ! ”

23.03.2013
                                                                                               Tôi thời "thanh xuân" 1987


                                                                                                            Và bây giờ-26 năm sau...




NHÚC NHÍCH THÌ GIẾT – MỆNH LỆNH CHO LÍNH MỸ ĐẾN VIỆT NAM


LÝ NHƯ THẾ
Tác phẩm “Kill Anything That Moves” và Tác giả Nick Turse
Tác phẩm “Kill Anything That Moves” và Tác giả Nick Turse
Tác phẩm “NHÚC NHÍCH THÌ GIẾT” (Kill Anything That Moves – The Real American War in Vietnam – Nhà Xuất bản: Metropolitan Books, New York, 2013gồm 370 trang này đoạt giải thưởng Ridenhour của National Press Club năm 2009, nguyên là luận án Tiến sĩ tại Đại học Columbia của nhà báo kiêm sử gia Nick Turse. Cuốn sách gồm một Nhập đề, bảy Chương và một Kết luận. Cầm cuốn sách lên thì thấy tựa sách được đọc như một mệnh lệnh cho người lính Mỹ khi đến Việt Nam: “Nhúc nhích thì giết!”. Để cuốn sách xuống sau khi đọc thì thấy đúng như vậy. Qua sách nầy, tác giả Nick Turse đã chứng minh một cách “bất khả tư nghì” rằng mệnh lệnh dã man ấy là một chính sách, một chiến thuật chính thức của quân đội Mỹ và đã được áp dụng từ cấp tướng đến người lính G.I., từ quân trường ở Mỹ đến xóm làng ở Việt Nam. Chủ đề của cuốn sách là một chứng minh rằng cuộc thảm sát từ 350 đến 500 thường dân ở Mỹ Lai ngày 16 tháng 3 năm 1968 không phải là một sơ xuất biệt lệ của quân đội Mỹ.
 
Nhiếp ảnh gia chính thức của Lục quân Mỹ Ron Haeberle đã theo chân Đại đội Charlie
đến Mỹ Lai (Quảng Ngãi) vào ngày định mệnh 16/3/1968. Anh đã ghi được vào ống kính 
hầu như toàn bộ thảm kịch Mỹ Lai. Những tấm hình nầy, sau đó, được dùng làm 
vật chứng trong cuộc điều tra dài 5 tháng của Tướng William R. Peers.
Điều nầy có thể thấy ngay trong Chương 2: “Theo hồi ký của tướng Westmoreland, (tướng) Mac Arthur đã “thúc dục tôi hãy chuẩn bị để luôn luôn có đầy đủ trọng pháo vì dân Á Đông rất sợ trọng pháo” và đưa ý kiến là Westmoreland có thể phải xử dụng một “chiến thuật đốt sạch đất đai” tại Việt Nam.” (trang 61). Lời chỉ đạo nầy từ một anh hùng của Đệ nhị Thế chiến có thể coi như thể hiện tâm cảnh (mindset) của tướng Westmoreland trước khi nhậm chức Tổng Tư Lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam để “đếm xác” (body count)  dân Việt trong tinh thần kỳ thị chủng tộc dứt khoát.
Phương pháp làm việc của tác giả Nick Turse vừa có tính cách sử học vừa xã hội học, thích ứng với mội trường hàn lâm của một Đại học nổi tiếng như Columbia. Tác giả xử dụng hồ sơ giải mật của Bộ Quốc phòng Mỹ, những báo cáo từ các cuộc điều tra của Criminal Investigation Division (Sở Điều Tra Tội Ác) của Bộ Quốc phòng, đặc biệt là báo cáo của Vietnam War Crimes Working Group (Nhóm Điều Tra Tội Ác Chiến Tranh ở Việt Nam) được Pentagon thành lập sau vụ thảm sát ở Mỹ Lai, cộng với hơn 100 cuộc phỏng vấn ở cả hai phía: nạn nhân Việt Nam và quân nhân Mỹ. Tất cả để đúc kết lại thành một bức tranh bi thảm về sự tàn phá tận cùng của chiến tranh mà ngay cả Picasso có sống lại cũng không thể vẽ thêm một Guernica thứ hai.
Thống kê tổng quát cho thấy cuộc chiến Việt Nam từ năm 1955 đến 1975 đã gây ra cho phía Nam Việt Nam 254,000 người chết và 783,000 người bị thương. Bắc Việt Nam có khoảng 1.7 triệu người chết và vẫn còn hơn 300, 000 người mất tích. Trong khi phía Mỹ có hơn 58,000 lính chết và 304,000 lính bị thương.  Ở cao điểm của cuộc chiến năm 1969, nước Mỹ đã có 540,000 quân trên đất liền, khoảng 150,000 quân trên biển và trong các căn cứ ở Nhật, Đài Loan, Phi, Thái, Mả Lai, … chưa kể các quân đội Đồng Minh (Đại Hàn, Phi, Thái, Úc, Tân Tây Lan, …). Không quân Mỹ thả gần 7 triệu tấn bom (so với gần 3 triệu tấn bom thả trên Đức quốc trong Đệ nhị Thế chiến) và khoảng 70 triệu lít chất độc khai quang mà ảnh hưởng có thể tác hại đến 100 năm trên con người và thiên nhiên.
Với những vũ khí và quân lực đằng đằng sát khí như vậy, người thường dân Việt Nam đã phải chịu một tai họa thống khổ đến mức nào?
Bảy chương sách của Nick Turse mang câu trả lời với những tựa đề hãi hùng:
(1) Cuộc thảm sát ở Triệu Ái,
(2) Một Hệ Thống Đau Khổ,
(3) Tàn sát Quá Độ,
(4) Một Loạt Những Hung Bạo,
(5) Khốn Khổ Vô Bờ,
(6)  Tên Khùng, Ông Tướng “Săn Cộng” và Tên Đồ Tể của Vùng Châu Thổ, và
(7) Những Tội Ác Chiến Tranh Biến Đi Đâu Rồi?
Không phải là một tình cờ mà nhận định của Alvin Tofler: “Nếu nguyên tắc căn bản của nền kinh tế kỹ nghệ là sản xuất hàng loạt thì nguyên tắc căn bản của chiến tranh thời kỹ nghệ hoá là tàn phá hàng loạt” (War and Anti-War, trang 38) đã trùng hợp sát sao với nhận định của tác gỉa Nick Turse ở trang 204: “sự tàn sát theo chuẩn mức kỹ nghệ đã được áp dụng khoảng thời gian Thiếu tướng Julian Ewell cầm quân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Tại Việt Nam, chính quyền Mỹ đã thực thi một cuộc tàn phá hàng loạt một cách có hệ thống trong suốt cuộc chiến với những mô  tả  đáng kể nhất là trong hai chương 1 và 6 mà người đọc không thể bỏ qua.
Chương 1: Từ thời kỳ được huấn luyện ở quân trường tại Mỹ (Fort Benning, Camp Lejeune, tiểu bang Georgia) tinh thần kỳ thị chủng tộc (như của tướng Mac Arthur) đã được nhồi sọ tối đa để giúp người tân binh Mỹ có thể giết kẻ thù – người Việt Nam – mà không hối tiếc hay ân hận. “Cựu chiến binh Wayne Smith nhớ lại là các huấn luyện viên không bao giờ gọi người Việt Nam là “Vietnamese”. Họ gọi (bằng những chữ tiếng lóng hạ cấp như) “dinks, gooks, slopes, slants, rice-eaters”, những chữ không còn mang ý nghĩa tượng trưng cho con người nữa. Cái thâm ý là coi người Việt Nam thấp hơn cả giống người.” (trang 28). Như vậy thì có thể tự do để vâng lệnh giết một cách vô trách nhiệm như lời khuyên của một vị Tuyên úy Tin Lành: “Người lính tự do nhất là người lính sẵn sàng tuân lệnh cấp trênKhi bạn tuân một mệnh lệnh hợp pháp thì bạn không sợ, không lo gì cả.” (trang 30) Vấn đề là không có ai định nghĩa “mệnh lệnh bất hợp pháp” là gì. Khi Trung úy Maynard quăng lựu đạn xuống hầm một căn nhà trong làng Triệu Ái, “Trung úy Bailey cho biết có con nít trong hầm ấy. Và Trung úy Maynard trả lời: “Kệ mẹ nó, rồi tụi đó lớn lên thì cũng trở thành Việt Cộng thôi.” (trang 34).  Điều kinh khủng là người lính Mỹ không phân biệt được kẻ thù và đồng minh nên họ chỉ biết khi thấy “nhúc nhích thì giết”. Ở một cấp cao hơn, các sĩ quan tốt nghiệp quân trường West Point cũng có một hiệp hội ngầm (mà ai cũng biết) có tên là West Point Protective Association (WPPA) để họ bảo vệ lẫn nhau khi bị điều tra hay khi phải ra trước toà án quân sự như trường hợp tướng Julian Ewell dưới đây.
Chương 6: Hồ sơ của Trung Sĩ Roy Bumgarner và Tướng Julian Ewell là hai thí dụ điển hình.
“Trung sĩ Bumgarner thuộc Lữ đoàn Dù 173, Sư đoàn Kỵ binh Đệ Nhất đóng tại Bình Định (năm 1968)  nổi tiếng với thành tích giết 1,500 kẻ thù. Có khi toán quân 6 người của ông còn giết nhiều kẻ thù hơn cả tổng số “đếm xác” của toàn thể tiểu đoàn 500 người của ông.” (trang 192). Thành tích này đã làm cho ông mang biệt danh là “The Bummer” (Tên Khùng). Tên Khùng tuy khùng nhưng không dại vì sau khi giết một thường dân (dù là đàn bà, con nít), y lại nhét vào trong xác chết một qủa lựu đạn “made-in-China” hay một khẩu súng Nga. Hậu quả là số “Việt Cộng” bị Trung sĩ Bumgarner giết lên rất cao. Điều không may là các bạn đồng ngũ đã thấy hành vi vô đạo nầy và họ báo cáo lên cấp trên. Tên Khùng bị điều tra và bị đưa ra toà án quân sự. Tên Khùng bị xử có phạm tội nhưng là tội “sát nhân không mưu tính” (unpremeditated murder) và nhờ vậy y đã không vào tù, dù chỉ một ngày (trang 196). Một nhân chứng của vụ án, Peter Berenback, sau khi giải ngũ đã đọc được trong nhật báo New York Times ngày 31/3/1972 một bản tin ca ngợi Trung sĩ Bumgarner với tấm hình Tên Khùng ôm một em bé Việt Nam một cách bảo bọc. Berenback bèn gửi một lá thư đầy giận dữ gọi Bumgarner là “kẻ sát nhân”. Nhưng tờ báo đầy uy tín nầy đã không phản ứng. Berenback gửi một thư khác cho Dân biểu Peter Frelinghuysen. Ông nầy chuyển lá thư cho Đại tá Murray Williams ở Pentagon. Rồi nội vụ không còn được nói đến nữa!
Trường hợp tướng Julian Ewell đáng chú ý là vì sự nghiệp của ông tại Việt Nam thành công rực rỡ chỉ nhờ một yếu tố: Khả năng làm tăng con số kẻ thù bị giết (“body count”). Tháng 2 năm 1968, khi mới nhận chức Tư lệnh Sư đoàn 9 vùng Đồng bằng sông Cửu Long (vùng 4 Chiến thuật), các phi công trực thăng của ông đã để ý trò chơi săn người của ông khi ra lệnh cho pháo thủ trên trực thăng bắn bất kể vào người nông dân đang cày bừa trên đồng lúa. Đặt cơ sở trên chiến tranh kỹ thuật (“technowar”) của bộ trưởng Mac Namara, “thống kê đếm xác là thước đo thành công quan trọng nhất” cho tướng Ewell (trang 206). Hãy đọc “tiến bộ” của tướng Ewell trong 2 năm 1968-1969 theo thước đo tỉ lệ chết giữa địch và ta (Việt Cộng và Mỹ): Trước khi ông nhậm chức, tỉ lệ đó là 1/8: Cứ một người lính Mỹ chết thì có 8 người lính Việt Cộng chết. Đây đã là một tỉ lệ khá cao so với các đơn vị khác. Qua tháng 7-1968, sau 5 tháng dưới quyền tướng Ewell, tỉ lệ nầy tăng lên thành 1/14.
Sau 5 tháng, tướng Ewell mở đầu chiến dịch “Speedy Express” vói tỉ lệ 1/24. Ba tháng sau tỉ lệ là 1/68. Một tháng sau (4-1969), tỉ lệ tăng lên gần gấp đôi: 1/134. Câu hỏi là trong 134 người Việt Nam được “đếm xác” này có bao nhiêu thường dân? Vì (1) sự chênh lệch quá xa giữa số xác Việt Cộng quá cao so với số võ khí thu lượm quá thấp (2) trước hoả lực kinh hồn của quân đội Mỹ, quân đội Việt Cộng cũng đủ khôn ngoan để rút đi nơi khác, để lại người dân vô tội trong vùng hoả tuyến.
Khi được hỏi làm sao họ phân biệt được kẻ thù trên đồng ruộng để nã súng bắn, phi công Cobra của chiến dịch Speedy Express trả lời: “Kẻ nào thấy trực thăng mà bỏ chạy là kẻ thù.” hoặc “Kẻ nào mặc bà ba đen là Việt Cộng.” Từ đó tướng Ewell mang hỗn danh là “tên đồ tể của vùng Châu thổ.” Với “tiến bộ” từ 1/14 lên 1/134, tướng Ewell được vinh thăng Trung tướng và năm 1970, ông được gửi qua làm cố vấn quân sự cho phái đoàn Mỹ đang tham dự Hoà đàm ở Paris.
Nhưng một quân nhân vô danh ký tên là “Một Trung sĩ Ưu tư” đã gửi thư cho tướng Westmoreland, lúc nầy đã trở thành Tham mưu Trưởng Liên quân, để tố cáo đầy đủ chi tiết và tên tuổi, chức vụ trong cuộc tàn sát khủng khiếp của chiến dịch Speedy Express. Lá thư kết luận một cách chắc nịch “dù các con số của tôi chỉ đúng 10%, mà tôi tin là cao hơn, thì 120 đến 150 tử vong đã tương đương với một Mỹ Lai mỗi tháng trong hơn một năm trời.” (trang 215). Nhưng rồi lá thư nầy cũng bị rơi vào quên lảng như số phận của hàng ngàn thường dân Việt Nam đã bị thảm sát.
Đọc xong trang cuối cùng, gấp lại cuốn sách, chắc người đọc nào cũng thấy hãi hùng và đầy lòng thương cảm. Riêng người điểm sách còn rút ra được ba ý nghĩ riêng cho mình:
■ Đây là một cuốn sách rất khó đọc cho cả người Việt lẫn người Mỹ vì nó trình bày một cách trần truồng sự bi thảm tận cùng của một cuộc chiến vẫn còn vang vọng trong tim óc chúng ta.
Với những  cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hoà đã từng sát cánh chiến đấu với quân đội Mỹ và bây giờ đã và đang xây dựng trên đất Hoa Kỳ những tượng đài để tưởng niệm và vinh danh “mối tình chiến hữu Việt-Mỹ” thì cuốn sách nầy lại càng khó đọc hơn vì những sự kiện kinh hoàng được trình bày một cách trung thực, khoa học và có hệ thống đến mức, nếu còn là một người Việt Nam lương thiện và yêu nước, thì không thể chối cãi được và không nên lẫn tránh chúng.
■ Còn với những “cậu ấm bất mãn” ở Việt Nam, nhất là ở thủ đô Hà Nội, đang ngưỡng mộ và hướng vọng về Hoa Kỳ như một mẫu mực chính trị tương lai cho đất nước thì cuốn sách nầy là một nhắc nhở sâu sắc cho họ rằng chính trị Mỹ xuất sinh từ văn hóa Mỹ, trong đó, từ thời lập quốc, đã có những tay chăn bò được vinh danh là những anh hùng … bắn chậm thì chết. Và hơn 40 năm trước, đã có những đồng bào “Việt Cộng mặc áo bà ba đen” của các “cậu ấm” lúc bấy giờ ở miền Nam xa xôi, vốn chỉ là những thường dân run rẫy, nhưng vẫn bị thảm sát vì dòng chảy văn hóa “bắn chậm thì chết” đặc thù nầy!
■ Cuối cùng, nội dung cuốn sách nầy còn là một bài học đau thương cho những ai rước giặc vào nhà thì phải biết hậu quả tai hại sẽ không thể lường được dù giặc có khoe đầy giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền, … như khi Phó Tổng thống Lyndon Johnson ngoài miệng thì giả vờ ca ngợi Tổng thống Diệm của miền Nam là “Churchill của châu Á” nhưng sau lưng thì gọi Việt Nam là “một nước nhỏ nhoi bèo bọt” (trang 49). Nói cho cùng thì Churchill cũng không tốt đẹp gì để hãnh diện được so sánh vì ông ta là một đại thực dân da trắng đã ôm khư khư cái đế quốc “mặt trời không bao giờ lặn” của Anh quốc, dù Gandhi và hàng triệu dân Ấn Độ đã xã thân đấu tranh cho tự do và độc lập của đất nước mình.
Tôi viết bài điểm sách nầy để tưởng niệm anh Hugh C. Thompson, Jr., một Đại úy phi công trực thăng của quân đội Mỹ, người đã can đảm cố gắng ngăn chặn, tuy bất thành, cuộc thảm sát hãi hùng ở Mỹ Lai, và sau đó, bất chấp mọi chống đốicủa bộ máy thư lại Mỹ, đã kiên trì tố cáo thành công trước công luận tội ác của chính các cấp trên của mình.
Ba mươi năm sau cuộc thảm sát, anh được trao tặng huy chương cao quý nhất của Lục quân Mỹ. Cũng trong năm 1998, Quốc hội Hoa Kỳ ghi nhận anh “đã nêu gương ái quốc trong ý nghĩa cao cả nhất”.
Tôi nghĩ rằng cùng với tên chị Đặng Thùy Trâm, tên anh Hugh Thompson xứng đáng được người Việt Nam đặt cho một con đường lớn ở thành phố Quảng Ngãi vì lòng nhân đạo và tính cương trực của anh đã vượt lên trên mọi rào cản ý thức hệ, chủng tộc, văn hoá. – Lý Như Thế
Nhận định về tác phẩm “Kill Anything That Moves” của ba nhà nghiên cứu Mỹ về chiến tranh Việt Nam:
Frances Fitzgerald
FRANCES FITZGERALD (giải thưởng Pulitzer năm 1973, tác giả của Fire in the Lake):
Hơn mọi ai khác, Nick Turse đã chứng minh – với chứng cớ – một chuyện không còn có thể bàn cãi: Sự tàn bạo của quân đội Mỹ ở Việt Nam không phải là thỉnh thoảng hay sơ xuất mà là chuyện thường ngày và là một hậu quả không thể tránh của chính sách quân sự của nước Mỹ.
DANIEL ELLSBERG (Cựu Thủy Quân Lục Chiến, nhân viên Bộ Ngoại Giao, phân tích gia của RAND, người tiết lộ Hồ sơ Ngũ Giác Đài Pentagon Papers):
Nghiên cứu kỹ càng, Nhúc Nhích Thì Giết là một tường trình đầy đủ nhất cho đến ngày nay về tội ác chiến tranh do quân đội Mỹ vi phạm ở Việt Nam và những cố gắng để che dấu của các cấp chỉ huy cao nhất của quân đội. Đây là một phần quan trọng của lịch sử.”
MARILYN YOUNG (Tác giả The Vietnam Wars, 1945-1990)
“Cuốn sách “Nhúc Nhích Thì Giết” của Nick Turse là một tài liệu căn bản, một tường trình hùng hậu và đầy xúc động đến ngay vào vùng tim đen của cuộc chiến tranh ở Việt Nam: Sự tàn sát thường dân một cách có hệ thống, chứ không là một sơ xuất, là một thủ tục hành quân đúng tiêu chuẩn. Cho đến ngày nào bản tường trình lịch sử nầy đưọc thừa nhận, chính sách nầy vẫn sẽ được tiếp tục dưới hình thức nầy hoặc hình thức khác trong những cuộc chiến mà nước Mỹ sẽ tiếp tục dính vào.”


(Nguồn : sachhiem )

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

34 năm chiến thắng biên giới phía Bắc 18/3/1979 - 18/3/2013

Trong bài 17/2 không phải là ngày kỷ niệm chiến thắng biên giới 1979, tác giả Thiếu Long đã chứng minh với chúng ta rằng ngày 18/03 mới đúng là ngày kỷ niệm chiến thắng cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, chống lại sự xâm lược của "tập đoàn phản động Bắc Kinh". Ấy vậy mà đám "rận sỹ chấy thức" và bè lũ đã bày đủ trò để kỷ niệm cái ngày quân giặc đánh nước mình, một hành động trái ngoe và ngược đời so với đại đa số truyền thống, văn hóa, lễ nghi, thông lệ của các dân tộc, quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đôi mắt biết tỏng rằng họ cố tình làm cái chuyện ngược đời ấy chẳng phải vì điều lễ nghĩa như họ rêu rao mà âm mưu chính là khơi gợi những nỗi đau chiến tranh, những tội ác của giặc Tàu, từ đó kích động hận thù dân tộc giữa 2 quốc gia, xuyên tạc chống phá nhà nước. Bằng chứng là đến ngày quân dân Việt Nam chiến thắng kẻ thù, đuổi giặc về nước thì họ tuyệt nhiên câm nín như một lũ hến rúc trong bùn vậy! Ca ngợi một chiến công hiển hách của Đảng CSVN có khác nào họ lại tự vả vào mồm mình, vừa đau lại vừa đói (vì những lời khen như vậy chắc chắn chẳng rút được mấy tờ bạc xanh từ cái ngân sách "dân chủ" của quan thầy.)! Thôi thì không có các "mợ" rận sỹ - chấy thức ấy thì chúng ta vẫn cứ "họp chợ" để cùng Thiếu Long ôn lại chiến công vĩ đại của dân tộc mình 34 năm về trước trong bài viết 34 năm chiến thắng biên giới phía Bắc 18/3/1979 - 18/3/2013dưới đây.

☼☼☼
Vào ngày này 34 năm trước, quân đội Trung Quốc buộc phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược và rời khỏi Việt Nam, để lại gần 3 vạn xác đồng đội và 420 xác xe tăng, xe bọc thép các loại.
Sự thương vong và thiệt hại của Trung Quốc đã không giúp cho ý đồ chiến lược nào của họ đạt được: Họ không thể tiến về Hà Nội, xâm chiếm miền Bắc Việt Nam, chia cắt lâu dài Việt Nam, thực hiện kế hoạch bành trướng lâu dài của chủ nghĩa bá quyền đại dân tộc.

Họ không thể lấy miền Bắc nước ta làm bàn đạp để lũng đoạn, thao túng, khống chế và thôn tính khu vực Đông Dương và Đông Nam Á, hay trục lợi, cướp đoạt tài nguyên trong khu vực địa chính trị - địa kinh tế quan trọng này, nối tiếp "truyền thống" chủ nghĩa Đại Hán của phong kiến Trung Hoa.

Họ không thể sử dụng con bài Hoàng Văn Hoan như các vương triều phong kiến của họ đã từng sử dụng các con bài Trần Ích Tắc, Trần Thiêm Bình, Lê Chiêu Thống ngày xưa, không thể tiến vào Hà Nội để đưa Hoan lên làm "thủ lĩnh anh minh", thiết lập ngụy quyền, bắt lính, xây dựng ngụy quân. Thành lập "quốc gia", sau đó thỏa thuận cho các đồng minh, đàn em công nhận và thiết lập ngoại giao với "quốc gia" đó.

Trong cuộc chiến, Hoàng Văn Hoan khéo giấu diếm sự thông đồng của mình với Trung Quốc mà chỉ thể hiện ra là một phần tử Maoist cực đoan. Sau cuộc chiến, an ninh nội bộ của Việt Nam lập tức đôn đốc thúc đẩy việc điều tra các nghi vấn về gián điệp Bắc Kinh ở nước ta.

Ba tháng sau cuộc chiến, tháng 6 năm đó, an ninh Việt Nam tìm được một số bằng chứng về sự thông đồng, đi đêm giữa Hoàng Văn Hoan và đồng đảng với bọn bành trướng Bắc Kinh. Trung Quốc và Hoàng Văn Hoan "đánh hơi" được, thế là Hoan dùng kế "ve sầu thoát xác", giả vờ đi Đông Đức khám bệnh. Với sự trợ giúp của tình báo Trung Quốc, Hoàng Văn Hoan thoát khỏi an ninh Việt Nam ở sân bay Karachi (Pakistan) rồi được bọn bá quyền Bắc Kinh dàn xếp, an bài đưa về Trung Quốc.

Sau khi bỏ trốn, Hoan bị Việt Nam kết tội phản quốc và tuyên án tử hình vắng mặt và trở thành biểu tượng của sự bán nước. Báo chí Việt Nam thời đó gọi Hoan là "Lê Chiêu Thống tân thời". Bên Trung Quốc, Hoan vu cáo Việt Nam là "đối xử với người Việt gốc Hoa còn tệ hơn cả cách Hitler đối xử với người Do Thái".

Năm 1988, theo ý của Trung Quốc, Hoan viết tự truyện "Giọt nước trong biển cả: Hồi ức cách mạng của Hoàng Văn Hoan" nhằm tuyên truyền cho các quan điểm chính thức của Trung Quốc, công kích Việt Nam (chiếm hầu hết nội dung), và đồng thời thanh minh tội phản bội Tổ quốc và còn đề cao bản thân. Hoan nói ngược rằng ông ta mới là người "vì dân vì nước". Hoan viết quyển sách đó bằng tiếng Trung, sau khi được Trung Quốc duyệt, thông qua, và nhà xuất bản Bắc Kinh xuất bản, Hoan dịch lại tiếng Việt và tự xuất bản bản tiếng Việt dưới tên "Giọt nước trong biển cả".

Năm 1991, Hoan chết, Trung Quốc tổ chức lễ tang cấp nhà nước, thi hài được chôn tại nghĩa trang Bát Bảo Sơn, nơi chôn cất các quan chức cao cấp Trung Quốc. Như vậy, có thể nói Trung Quốc đã coi Hoàng Văn Hoan là một loại "thần tử", "bề tôi", "An Nam quốc vương" của họ.

Thất bại trong ý định sử dụng quân bài Hoàng Văn Hoan như một giải pháp chính trị, Trung Quốc cũng thất bại trong ý đồ xâm chiếm Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai để làm làm bàn đạp, làm tiền đề xâm lược lâu dài.

Họ càng thất bại trong việc ý đồ làm tiêu hao lực lượng chủ lực và làm suy yếu khả năng phòng ngự của Việt Nam, xóa sổ các đồn biên phòng và phần lớn lực lượng vũ trang địa phương của Việt Nam. Họ không tiêu diệt được sư đoàn hay lực lượng lớn nào của Việt Nam.

Họ cũng thất bại thảm hại trong ý đồ gây sức ép, áp lực buộc Việt Nam phải bỏ dở nghĩa vụ quốc tế lật đổ chế độ diệt chủng và tái thiết nước bạn ở Campuchia. Họ không ép được Việt Nam thay đổi bất kỳ chính sách đối ngoại, đối nội nào với Trung Quốc, các nước, và các tầng lớp người Hoa.

Sự phá hoại, cướp bóc, hủy diệt của họ không đẩy được nền kinh tế và chế độ chính trị Việt Nam tới chỗ rạn nứt và sụp đổ. "Bè lũ Lê Duẩn" vẫn còn đó thì họ càng không có cơ hội nào đưa Hoàng Văn Hoan về nước làm "thủ lĩnh anh minh".

Tóm lược diễn biến chiến sự:

Ngày 16 tháng 2 năm 1979, các tổ thám báo Trung Quốc đã mang theo bộc phá luồn sâu vào nội địa Việt Nam móc nối với "đội quân thứ 5" lập thành các toán vũ trang phục sẵn các ngã ba đường, bờ suối, các cây cầu, với mưu đồ ngăn chặn quân tiếp viện của ta từ phía sau lên. Trước giờ khai chiến, các lực lượng đặc biệt nằm vùng của địch cũng bí mật cắt được phần lớn đường dây điện thoại để cô lập chỉ huy sư đoàn với các chốt, trận địa pháo. Cho thấy cuộc xâm lược này đã được kẻ địch tính toán rất chu đáo và tỉ mỉ.

Ngày 17 tháng 2, Trung Quốc mở đầu giai đoạn 1 của cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc nước ta với hơn 12 vạn quân. Mở đầu là lực lượng pháo binh, tiếp theo là xe tăng, xe bọc thép và bộ binh. Quân địch chia làm nhiều hướng tấn công 26 địa điểm của ta, đặc biệt là Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Móng Cái, Mường Khương. Tất cả các hướng tấn công đều có hàng hàng lớp lớp xe tăng, pháo binh hỗ trợ. Quân đội viễn chinh do Thượng tướng Hứa Thế Hữu tổng chỉ huy và Thượng tướng Dương Đắc Chí phụ tá. Đây là hai tướng tài của quân đội Trung Quốc trong thời điểm đó.

Hứa Thế Hữu xuất thân chùa Thiếu Lâm (8 năm là đệ tử tục gia Thiếu Lâm Tự), là người văn võ song toàn. Đầu tiên, ông ta tiến thân trên con đường binh nghiệp với quân phiệt Ngô Bội Phu. Khi cuộc Quốc - Cộng nội chiến (tiếng Anh: Chinese Civil War) giữa hai lãnh tụ Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch nổ ra, các quan hệ đối kháng lợi ích và hệ quả chiến cuộc dần đưa tới tình trạng Mao nắm được lực lượng nông dân, công nhân, và đại đa số người dân lao động Trung Quốc, Tưởng nắm được hoặc liên minh với giai cấp tư sản tài phiệt, các băng đảng xã hội đen lớn (đặc biệt ở Thượng Hải), các chủ chứa, chủ sòng bài, phần đông quân phiệt, và các chủ ngân hàng (ở đây còn là sự hợp tác chặt chẽ giữa gia tộc Tưởng và gia tộc Khổng, trùm tài phiệt ngân hàng Khổng Tường Hy anh em cột chèo của Tưởng Giới Thạch).

Khi quân Nhật xâm lược Trung Quốc giữa cuộc nội chiến Quốc - Cộng thì cuộc chiến ở Trung Quốc đã phát triển thành một cuộc chiến tranh tam giác giữa Mao - Tưởng - Nhật. Tưởng Giới Thạch lúc đó trên cương vị là lãnh tụ của Quốc dân đảng, phe mạnh nhất và đang có tư cách lãnh đạo chống Nhật, kêu gọi tất cả các quân phiệt còn lại theo về dưới trướng. Thế là lực lượng Ngô Bội Phu được sát nhập vào quân Tưởng và dĩ nhiên Hứa Thế Hữu cũng theo về với Quốc dân đảng. Tuy nhiên sau đó không lâu, bất mãn với thái độ mãi lo đánh người nhà mà lừng khừng trong việc chống Nhật của Tưởng, ông ta được Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai mời mọc và theo về.

Là một người từng phục vụ trong 3 phe, 3 quân đội Trung Quốc khác nhau nên có thể nói Hứa Thế Hữu là một viên tướng dày dặn kinh nghiệm sa trường. Nhưng kinh nghiệm của ông ta vẫn chưa bằng Dương Đắc Chí, một viên tướng từng chiến đấu sát cánh danh tướng Bành Đức Hoài trong nội chiến Trung Quốc và chiến tranh Triều Tiên.

Về thực tài quân sự, Hứa Thế Hữu không bằng Dương Đắc Chí. Nhưng về quan hệ thân tín với Đặng Tiểu Bình thì Hứa Thế Hữu bỏ xa Dương Đắc Chí. Hứa Thế Hữu chính là một trong những tay chân thân tín nhất của Đặng và đã ngày đêm bảo vệ Đặng trong Cách mạng văn hóa.

Thời đó nội tình chính trị Trung Quốc vẫn còn đang chưa ổn, do tin tưởng Hứa Thế Hữu hơn nên Đặng giao cho ông ta làm tổng chỉ huy thay vì Dương Đắc Chí. Một phần do quyết định sai lầm này mà quân Trung Quốc sau đó đã phải trả giá đắt. Nói chung, việc Trung Quốc chọn hai tướng chỉ huy này cho thấy rõ là chúng quyết thắng và đặt cược rất nặng vào cuộc chiến tranh xâm lược này.

Nhân cơ hội quân chủ lực Việt Nam đang tham chiến ở Campuchia và đóng quân ở miền Nam Việt Nam để yểm trợ cho mặt trận Campuchia, Trung Quốc muốn "tốc chiến tốc quyết" xâm chiếm, bình định các tỉnh và tiến vào Hà Nội trước khi quân chủ lực Việt Nam về Bắc. Địch hung hăng xua quân tấn công nhanh, chúng muốn đánh mau đánh mạnh, tốc chiến tốc thắng, giải quyết chiến trường sớm và tiến về "ăn phở tại Hà Nội".

Quân địch tiến rất thần tốc theo đúng kế hoạch, đúng lộ trình trong thời gian đầu, nhưng ngay sau đó chúng nhanh chóng bị hụt hẫng và phải chững lại, phải giảm tốc độ do gặp nhiều trở ngại với yếu tố địa lợi và nhân hòa của ta. Hệ thống phòng thủ của ta ở biên giới rất mạnh, với các hầm hào, hang động tại các điểm cao dọc biên giới do lực lượng quân sự có trang bị và huấn luyện tốt trấn giữ. Kết quả là địch phải chịu thương vong lớn. Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại khu vực Bát Xát, Mường Khương, Đồng Đăng, Nam Quan, Thông Nông, Lào Cai và quanh sông Hồng.

Quân ta dùng chiến thuật phòng ngự mềm dẻo, đánh tiêu hao, từng bước làm hao mòn sinh lực địch, vận dụng chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích, tận dụng địa thế hiểm yếu, ưu thế địa lợi, nhân hòa, phong thổ khắc nghiệt với giặc, và tổ chức phục kích, đánh lén, đánh úp, khai thác yếu tố bất ngờ. Có nơi vừa đánh vừa lui để dụ địch vào hiểm địa. Có nơi giữ được chút nào hay chút nấy, cố gắng làm tiêu hao sinh lực của giặc.

Các lực lượng vũ trang, nửa vũ trang của ta ở biên giới phía Bắc muốn câu giờ để chờ các đơn vị chủ lực từ phía Nam quay về trợ chiến, cùng nhau tổng phản công. Cho nên, càng giằng co dai dẳng với giặc lâu chừng nào tốt chừng đó. Diễn biến chiến cuộc càng chậm chừng nào càng tốt chừng đó. Dĩ nhiên điều này trái ngược với ý đồ chiến lược của địch và làm phá sản kế hoạch của chúng.

Ngày 19 tháng 2, chiến sự lan rộng hơn. Quân ta chống trả rất dũng cảm và với tinh thần quyết chiến cao. Kẻ thù hầu như không thể sử dụng lực lượng ở mức sư đoàn mà phải dùng đội hình nhỏ và thay đổi chiến thuật liên miên, tiền hậu bất nhất. Họ tiến chậm chạp, giành giật từng đường hầm, từng điểm cao, và tiến vào Mường Khương, Trùng Khánh, và Đồng Đăng.

Tại Móng Cái, ta và địch giành giật dai dẳng. Gần 5000 tên xâm lược đã bỏ xác trong những ngày đầu này. Trong những ngày này, quân Tàu đã tấn công vào được 11 làng chiến đấu và thị trấn sau khi bị chống cự quyết liệt. Nhưng địch cũng không thể sử dụng được nhiều tài nguyên trong những vùng tạm chiếm. Chúng không thể "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" vì gặp khó khăn trước kế "vườn không nhà trống" của người Việt.

Ngày 22 tháng 2, trong trận đánh Đồng Đăng, quân địch dùng vũ khí hóa học độc hại của phát xít Nhật mà chúng cướp được trước đây, bắn vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng cả những thương bệnh binh cũng như dân lành vô tội. Đây là tội ác chiến tranh.

Trước tình hình chiến sự lan rộng tới Hà Tuyên, Quảng Ninh và cả các khu đô thị ven biển ở Móng Cái, ta thành lập phòng tuyến Yên Bái - Quảng Yên, là một tuyến phòng thủ cánh cung bao gồm khoảng 3 vạn quân. Nhiệm vụ của phòng tuyến này là bảo vệ hai thành phố lớn: Hải Phòng và đặc biệt là thủ đô Hà Nội.

Ngày 25 tháng 2, tại Mai Sao, Quân đoàn 14 thuộc Quân khu 1, Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng Bộ chỉ huy thống nhất Lạng Sơn được thành lập, lực lượng bao gồm các sư đoàn 3, 327, 338, 337 (đang từ quân khu 4 ra) và sau này có thêm sư đoàn 347 cùng các đơn vị trực thuộc khác.

Ngày 27 tháng 2, do nhiều thất bại quân sự, bị hao binh tổn tướng, và chịu tổn thương nặng nề trước Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đặng Tiểu Bình đã "thay tướng giữa trận", đành phải đưa Dương Đắc Chí lên thay Hứa Thế Hữu, thân tín của ông ta.

Đây là giai đoạn bộc lộ rõ tham vọng xâm lược của Trung Quốc. Đặng tiếp tục điều quân từ Trung Quốc sang Việt Nam để tăng viện và trợ chiến. Điều này đã cho thấy những lời tuyên bố "cuộc chiến giới hạn", "có thể sẽ rút quân" chỉ là những thủ đoạn để gây rối thông tin và lừa dối dư luận. Một mặt Trung Quốc tuyên bố đây là cuộc chiến "giới hạn", mặt khác chúng điều thêm quân. Chúng vừa tuyên bố "có thể sẽ rút quân" vừa tăng cường thêm quân mới. Thay vì rút quân về sau giai đoạn 1, thì Đặng Tiểu Bình tiếp tục giai đoạn 2 và bổ sung, tăng cường thêm đông đảo viện binh từ chính quốc.

Tại Cao Lộc, sư đoàn 129 Trung Quốc đánh mãi không phá nổi trận địa phòng thủ của trung đoàn 141 QĐNDVN. Tại đường 1B, sư đoàn 161 Trung Quốc đang tiến quân thì bị trung đoàn 12 QĐNDVN xáp vào "bám thắt lưng địch mà đánh". Tại đường 1A, một mình trung đoàn 2 QĐNDVN vừa chặn đánh sư đoàn 160 Trung Quốc từ phía Bắc vừa chống lại cánh quân của sư đoàn 161 Trung Quốc từ hướng Tây Bắc, một mình đánh trả hai cánh quân của giặc chia quân đánh ập vào hai bên hông, bên sườn của mình.

Trong những ngày còn lại của tháng 2 năm 1979, quân Trung Quốc mở rộng tấn công nhưng tiến rất chậm và bị tổn thất nặng nề. Quân Việt Nam mở cuộc phản công tự vệ vào huyện Ninh Minh (tỉnh Quảng Tây), huyện Ma Lật Pha (tỉnh Vân Nam), huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam), huyện Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây), thị xã Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây) của Trung Quốc để phá bớt các kho hậu cần, chứa lương thực, quân nhu, nhiên liệu, vũ khí đạn dược của địch tại đây, phá bớt đi những công cụ mà giặc xâm lược dùng để tấn công Việt Nam.

Tại điểm cao 800, một tiểu đoàn quân đội Trung Quốc bí mật luồn qua phía sau bất ngờ đánh úp và chiếm được nơi đặt đài quan sát pháo binh của sư đoàn 3 Sao Vàng QĐNDVN. Tuy tạm chiếm được điểm cao 800, nhưng trong suốt các ngày từ ngày 28 tháng 2 đến ngày 2 tháng 3, quân xâm lược vẫn không sao vượt qua nổi đoạn đường 4 km để vào được thị xã Lạng Sơn, dù đã dùng cho hướng tiến công này tới 5 sư đoàn đánh ập vào (đúng như lời Đặng Tiểu Bình nói: 5 đánh 1).

Từ ngày 2 tháng 3, các sư đoàn 3, 337 của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tổ chức phòng thủ chắc chắn và giáng trả thật mạnh vào các đợt tấn công lớn của quân xâm lược. Sư đoàn 337 QĐNDVN trụ tại khu vực cầu Khánh Khê.

Ngày 5 tháng 3, các sư đoàn chính quy của Quân đội Nhân dân Việt Nam với xe tăng, đại pháo, máy bay chiến đấu đã rầm rộ kéo gần đến mặt trận, chuẩn bị "chia lửa" với lực lượng biên giới và phản công tổng lực giải phóng các khu vực bị chiếm đóng. Quân đoàn 14 QĐNDVN với các sư đoàn 337, 327, 338 hầu như còn nguyên vẹn đang bố trí quân quanh thị xã Lạng Sơn. Quân đoàn 2, chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã tập kết sau lưng Quân đoàn 14 QĐNDVN.

Trung Quốc thấy các lực lượng chủ lực của Việt Nam sắp đến nơi và các lực lượng chính quy khác từ phía Nam cũng đang kéo quân ra trận. Trong khi bản thân quân đội Trung Quốc đang bị thương vong và thiệt hại nặng nề, sĩ khí xuống thấp, quân lực suy yếu.

Chỉ với lực lượng vũ trang, bán vũ trang ở địa phương trong đó phần đông là du kích và tân binh mà chúng còn không vượt qua nổi và bị tổn thất nặng nề phơi xác đầy đồng thì nếu chúng ở lại chờ quân ta đến đánh thì kết quả thế nào e rằng một đứa trẻ cũng đoán ra. Đặng Tiểu Bình là "cáo già" không phải một đứa trẻ, thế là quân Trung Quốc bắt đầu rục rịch lui quân.

Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc chống Trung Quốc xâm lược. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chấp bút viết bài "Nhân dân Việt Nam nhất định thắng lợi, giặc Trung Quốc xâm lược nhất định thất bại" kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đứng lên chống xâm lược. Chiến sự tiếp diễn ở một số nơi. Một phần do sự tự vệ trước các hành động phá hoại, cướp bóc của quân địch. Một phần do sự truy kích của quân ta. Phục binh của sư đoàn 338 QĐNDVN và quân tập kích của sư đoàn 337 QĐNDVN tổ chức phục kích đánh quân Trung Quốc đang rút lui qua ngả Chi Mã và đã gây tổn thương nặng nề cho giặc.

Ngày 16 tháng 3, biên giới phía Bắc mới lặng yên tiếng súng. Những thương bệnh binh đầu tiên thuộc các cánh quân đầu tiên của Trung Quốc được khiêng trở về nước. Những quân lính không được khiêng thì phải chống nạng. Các sĩ quan bị thương thì ngồi xe lăn. Họ bắt đầu "lết" qua biên giới về nước. Một số tài liệu và học giả phương Tây cho rằng đây là ngày chính thức kết thúc cuộc chiến.

Ngày 18 tháng 3 năm 1979, những tên lính Trung Quốc cuối cùng ôm vết thương thể xác và tinh thần rời khỏi Việt Nam, bỏ lại gần 3 vạn xác đồng đội. Quân đội Việt Nam đã gây tổn thương nặng cho giặc và đánh lui chúng ra khỏi bờ cõi, bảo vệ thành công miền Bắc và biên giới phía Bắc, viết thêm một trang sử oai hùng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Phần lớn sử liệu chính thống, tài liệu giáo khoa Việt Nam xem đây là ngày chính thức kết thúc cuộc chiến.

 Nguyễn Thanh Tùng
 Blog Đôi Mắt
                                                                                 

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

KHÔNG THIỂU NĂNG THÌ LÀ GÌ?


Đủ ý thì thế này
 Theo ông Toàn, liên quan đến mũ bảo hiểm, có 3 đối tượng: Thứ nhất là đối tượng sản xuất - nếu đối tượng sản xuất giả, sản xuất không đúng tiêu chuẩn thì đây là một hành vi phạm tội, có thể khởi tố và truy tố; Thứ hai là đối với người kinh doanh - hiện Cục Quản lý thị trường đang làm rất tốt, rất quyết liệt đối với các cơ sở kinh doanh; Thứ ba là người sử dụng mũ bảo hiểm - hiện 100% ý kiến của người dân cho rằng cứ rẻ là mua, biết là hàng giả vẫn sử dụng, vì thế nên quy định xử phạt người sử dụng.
Báo chí túm chặt lấy ý xử phạt người đội mũ giả để công kích chính quyền, không làm gì được bọn  sản xuất và phân phối, chỉ ăn hiếp người...vô tội.

Ông cục phó cảnh sát gọi những tác giả bài viết đó là thiểu năng. Và đương nhiên, một cuộc tẩn hội đồng ông, hôm nay xuất hiện trên mặt báo. Và đương nhiên, vơ vào luôn  toàn thể nhà báo bị ông coi thiểu năng.

Đặt ra những câu hỏi, xong không đăng câu trả lời rất cặn kẽ của người ta, mà tự trả lời rồi hướng công luận công kích...chính câu trả lời ấy, không thiểu năng thì là gì?.

Nghị định hàng loạt vấn đề, liên quan móc xích nhau, chặt mỗi 1 mắt xích ra, rồi đá xoáy đấm móc nghị định ấy, không thiểu năng  thì là gì?.

Làm một nghề mà nguy cơ xúc phạm người khác là cực cao thì việc nhảy đong đỏng lên khi có người chạm vào mình, không thiểu năng thì là gì?
 Còn có thể hỏi được chục câu nữa nhưng ngán ngẩm  các thiểu năng quá, nên tạm dừng.

(Nguồn Blog Beo )

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Thật lạ lùng, cái thời tôi đang sống







Thật lạ lùng, cái thời tôi đang sống
phải trái,trắng đen-điên đảo,lộn sòng
có bao điều một thời là lý tưởng
nay lại thành “lỗi mốt”với đám đông
Thật lạ lùng,cái thời tôi đang sống
nhan nhản xung quanh,ối kẻ hai lòng
ăn cây Táo mà không rào cây Táo
uống nước Sông lại ỉa đái đầy Sông



Thật lạ lùng,cái thời tôi đang sống
Hai chữ Tự Do bỗng thời thượng,được mùa
bao “Chí,Rận” vụt trở thành “Chiến Sỹ“ 
“Nhà Dân chủ” nhiều như Nấm sau Mưa
Thật lạ lùng,cái thời như thế đó
thiếu đức tin nhưng thừa thãi Thánh Thần
nô nức đi Chùa,mà chẳng ai nghe lời Phật dạy
nên Đất Nước này mãi mãi trầm luân.


Huhu...!
03.03.2013