Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

NGỌN LỬA MÙA ĐÔNG

Thế là bàn tay lạnh lẽo giá băng của "Thần Mùa Đông" cũng đã "sờ" đến nước Đức,ban ngày nhiệt độ ngoài trời đã xuống 2-3 độ,ban đêm thì dưới 0 độ,sáng sớm những vũng nước ven đường đã đóng một lớp băng mỏng.Từ xa nhìn về Thị trấn, trên những mái nhà nhấp nhô cao thấp,những ống khói như những điếu xì gà chổng ngược hối hả nhả khói lên trời,thôi thì đủ các màu sắc đen,nâu,xanh lam,trắng... của các loại chất đốt Than nâu,Dầu hỏa,Củi,Ga...Để sưởi ấm cho mùa đông,nhà tôi sử dụng đủ cả 4 thứ chất đốt ấy.Mấy năm trước còn sức và còn...hứng,tôi sắm cưa máy đăng ký với phòng lâm nghiệp thị trấn mùa đông vào dọn rừng kiếm củi sưởi.Ở bên Đức theo quy định của pháp luật về việc bảo vệ môi sinh,môi trường sống của động và thực vật trong rừng,chỉ vào mùa đông khi lá cây rụng hết,sinh động vật cộng cư trong rừng đã đi ngủ đông hết,mặt đất đã đóng băng, phủ tuyết người ta mới cho phép khai thác gỗ hay chặt cây dọn rừng,mà cũng chỉ gói gọn trong 3 tháng giữa đông là 12,1,2,đến đầu tháng 3 là phải kết thúc cho dù đó là rừng của tư nhân hay nhà nước,nếu trái quy định này sẽ bị phạt và phạt rất nặng.Khoảng trong hai tháng 11,12 các nhân viên kiểm lâm đi tuần rừng nơi mình phụ trách đánh dấu những cây gỗ được phép khai thác bằng hai màu sơn hồng và xanh da trời,màu hồng là cây chặt làm củi (như trong ảnh Tr vừa chụp chiều nay tại cánh rừng phòng hộ bên sông Đa Nuýp khi đi chạy bộ) còn màu xanh da trời là cây chặt lấy gỗ,đồng thời tính toán chia lô cấp phép dọn rừng lấy củi(ví như mỗi lô sẽ có bao nhiêu m3 củi),sau đó căn cứ vào số lượng người đăng ký hằng năm mà phòng lâm nghiệp cấp phép khai thác.Khi chặt xong, tất cả các loại củi to bằng bắp đùi người lớn trở lên đều phải cắt ngắn khoảng 1m xếp thành chồng ngay ngắn tại đầu mỗi lô để nhân viên kiểm lâm đi đo tính tiền sau đó mới được vận chuyển về nhà.


                                                                                    Cây đã được đánh dấu làm củi

Hồi còn đi dọn rừng, thông thường mỗi năm tôi đăng ký "mua" khoảng 5 đến 10 khối(m3),thế là được cấp một lô có chừng bấy nhiêu củi,nhưng nhờ cái tính cần cù(hay lòng tham hihi...)tôi thường chịu khó kiếm thêm bằng cách tìm cắt những cây gỗ đã bị đổ xuống chết khô từ lâu vùi trong tuyết(nhân viên kiểm lâm không đánh dấu và tính) hay những cành cây to bằng bắp chân,bắp tay(loại này không bị tính tiền),cắt xong ở đâu để nguyên đó đợi nhân viên kiểm lâm đo số gỗ được phép khai thác xếp tại đầu lô xong mới moi lên vận chuyển về nhà.Nhờ kiểu này mà số củi tôi "kiếm được" luôn nhiều hơn số lượng đăng ký mua (và phải trả tiền hihi ...).Vài năm nay do hết sức và hết hứng cộng với những quy định an toàn khi khai thác rừng ngày càng ngặt( như muốn sử dụng cưa máy phải qua một khóa học để lấy bằng,vào rừng khai thác gỗ phải có ít nhất 2 người cùng đi và phải có quần áo giày găng tay ,mũ,kính bảo hộ chuyên dụng cho ngành lâm nghiệp),nên để sưởi ấm khi đông về tôi thường đi mua lại củi người ta khai thác rồi bán hay mua than nâu,dầu tại các cửa hàng bán chất đốt.Năm nay tôi mua lại được một cây gỗ cổ thụ khoảng 200 tuổi khá lớn có chu vi thân khoảng 3m,đường kính 1m đã chết khô từ 2 năm trước.Gỗ đã khô nên quánh khó cắt và bửa,nhưng được cái bửa ra là có thể đút vào lò sưởi luôn không phải phơi 2,3 năm.Đánh vật với nó cả tuần cưa cắt,bửa cuối cùng cũng được một số củi kha khá đủ tự tin đón mùa đông lạnh giá đang về.Tối nay là có thể "Nổi lửa lên em..." ngồi bên lò sưởi nhâm nhi cốc bia + lạc rang mà " Một ngọn lửa bập bùng soi á à ha...!"...



Tôi khép cửa,mặc kệ mùa đông
Mặc kệ những nhọc nhằn,muộn phiền,tuyết băng ngoài ngõ
Xòe bàn tay nâng niu ngọn lửa
Nghe niềm vui reo tí tách trong lò
Lòng bồi hồi nhớ lại thưở ấu thơ
Đêm mùa đông bên Bà canh lửa
Hương khói bếp và bao câu chuyện cổ
Đã nuôi tôi khôn lớn nên người
Bà tôi đi về thế giới xa xôi
Thế giới của Phật,Tiên và những ước mơ không bao giờ cũ
Mùa đông xứ người tôi ngồi nâng niu ngọn lửa
Chuyện"Ngày xửa,ngày xưa..." kể tiếp cho con mình ...

Lauingen đêm mùa đông 22.11.2013