Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

AUGSBURG HỘi XUÂN QUÝ TỴ


Sau mấy ngày Tết,vừa gặp mặt, anh Sơn- một người quen- liền  rủ “Hôm nay đi lên Augsburg dự Hội Xuân với tao nhé !…”,như để “chắc ăn” anh ấy còn nói thêm : “ Mọi năm mày toàn rủ tao đi chơi Xuân,năm nay để tao rủ,đi cho nó vui và lấy hên đầu năm… “. Cũng phải nói qua,đã thành thông lệ,hằng năm Hội văn hóa Việt nam TP Augsburg đều tổ chức Hội Xuân,năm nay cũng thế,nghe đồn họ đã rậm rịch chuẩn bị từ mấy tháng nay,tổ chức sẽ to lắm, hoành tráng lắm...Mọi năm tôi đều nhận lời mời lên đó tham dự với tư cách là Chủ Tịch Hội Người Việt vùng Dillingen,năm nay đi với tư cách cá nhân,có lẽ như thế này lại thú vị và vui hơn nhiều vì không phải nghiêm trang,nghiêm chỉnh,đi đứng nói năng tha hồ thoải mái.Thành Phố Augsburg nói chung và bà con người Việt sống tại Augsburg nói riêng,với tôi không phải là nơi xa lạ,ở trên đó tôi có một chú em họ và cũng là một người bạn thưở ấu thơ nơi quê nhà đang sinh sống rồi khá nhiều anh em bạn bè quen biết nữa.Lâu không gặp lại chắc tha hồ có nhiều chuyện mà "buôn",ừ thì đi...cho vui hehe...!
                                              Cùng Vợ chồng chú em họ


                            Và Ông anh quen người Lào gốc Việt


Từ chỗ tôi ở lên Augsburg xa 60 Km,đây là một Thành phố cổ nhất nhì nước Đức(sau TP Trier quê ông Karl Mark),nó được người La Mã thành lập vào năm 15 trước Công Nguyên có tên La Tinh là Augusta Vindelicorum .Với dân số hiện tại là 265.000 lớn đứng thứ 3 ở bang Bayern sau München,Nürnberg, nó vừa là thủ phủ của vùng Bắc Schwaben(dân số 820.000 người),lại vừa là tỉnh lỵ của tỉnh Augsburg nơi tôi định cư.Cũng cần nói thêm Vùng Bắc Schwaben này cũng là khu vực có tiềm lực kinh tế mạnh hàng thứ 3 bang Bayern và vào hàng Top của nước Đức là nơi đặt Đại bản doanh của nhiều hãng xưởng có tên tuổi trên thế giới như Eurocopter Deutschland,  M.A.N,KUKA... Là một Thành phố cổ,tuy bị tàn phá nhiều trong Thế chiến thứ 2 nhưng người ta đã cố gắng gìn giữ,phục dựng lại và bảo tồn các kiến trúc cổ như Khu phố cổ có tuổi đời hơn 1000 năm,Tòa thị chính xây năm 1615 các Nhà thờ St. Peter,hay Doms Unserer Lieben Frau.Đặc biệt ở đây có khu nhà xã hội đầu tiên ở nước Đức và Thế giới dành cho người nghèo và người có thu nhập thấp thuê từ năm 1521 do một gia tộc thương gia giàu có thời bấy giờ tên là Fugger xây.Hiện nay nó vẫn được bảo tồn dành cho thăm quan và cho thuê với giá của ...500 năm trước !
Thành phố này còn là "quê Cha,đất Tổ" của các danh nhân Đức như : Wolfgang Amadeus Mozart,  Rudolf DieselBertolt Brecht...

                                                       Tòa Thị chính Augsburg


                                                      Nhà Thờ Augsburger Dom "St.Peter"


                               Khu Nhà XH cổ nhất Thế giới

 Là một Thành phố lớn,phát triển thịnh vượng của bang Bayern,Augsburg dĩ nhiên là nơi cư ngụ của nhiều sắc dân ngoại quốc trong đó có người Việt Nam.Tính đến năm 2010 tại TP này có khoảng 800 người Việt định cư,người Việt đến đây từ ba nguồn khác nhau : Thứ nhất là các cựu Sinh Viên du học từ thời VNCH(khoảng dăm người),Thứ hai là những người vượt biển sau 1975 hay còn gọi là Thuyền nhân (khoảng 200 người),Thứ ba là các cựu Lao Động Hợp tác từ thời DDR và các nước Đông Âu cũ(LĐHT) và thân nhân  đoàn tụ sau này cũng như các du học sinh sau năm 2000(khoảng hơn 500 người).Vì hoàn cảnh ra đi cũng như xuất thân của những nhóm người này khác nhau nên tuy ở trong cùng một thành phố nhưng sự giao lưu qua lại của họ cũng hạn chế.Những Thuyền nhân sau 1975 phần lớn trong số họ có liên hệ với chính quyền VNCH, sau khi VN thống nhất họ bị mất nhiều quyền lợi cũng như chịu nhiều khổ đau mất mát khi vượt Biển nên sự căm thù CS của họ khá sâu sắc:Ngày xưa,trước 1995 Augsburg là một nơi có các phong trào chống Cộng rất sôi nổi của những người tỵ nạn Việt Nam.Bây giờ cùng với sự thay đổi của thời cuộc,thế hệ tỵ nạn thứ nhất đã già,thế hệ thứ 2 thứ 3 đã trưởng thành và hòa nhập sâu vào xã hội Đức không còn quan tâm đến ân oán của Cha Anh nên những hoạt động của nhóm người này dần tàn lụi và chấm dứt.Tuy vậy, rất ít người trong số họ chịu giao lưu với những đồng bào mới nhập cư từ miền Đông.Họ sống biệt lập. Hội VH Việt Nam TP Augsburg-Hội đứng ra tổ chức Lễ hội Xuân năm nay- là Hội của những người nhập cư có nguồn gốc từ người lao Động Hợp Tác(LĐHT) thời DDR,Đông Âu cũ và một số Du học sinh,cựu Du học sinh yêu nước thời VNCH.Tuy mới thành lập nhưng họ hoạt động rất hiệu quả và sôi nổi như tổ chức học tiếng Việt cho các cháu thiếu nhi thế hệ 2,tổ chức các lễ hội quảng bá VH Việt Nam thu hút được sự quan tâm,ủng hộ của Đồng bào Việt cũng như của người dân sở tại.Từ mấy năm nay, năm nào họ cũng tổ chức lễ hội Xuân rất vui và rất Việt Nam.Trong lễ hội mọi năm có phục vụ tất cả các món ăn ngày Tết như bánh Chưng,Kiệu,Giò,Chả,Bánh Nếp,Gỏi, Xôi,Chè...nhưng năm nay do hoàn cảnh riêng họ không tự tổ chức được khâu hậu cần ăn uống mà thuê hội trường tại một quán Tây,phục vụ đồ ăn uống theo thực đơn...Tây ! Có nghĩa là ăn Tết ta bằng món Tây cho đúng với sự "Hội nhập". Tuy vậy các món ăn tinh thần VH-VN thì vẫn còn có nét ta như lì xì đầu Xuân cho các cháu thiếu nhi,bày câu đối,hát dân ca,Múa rồi hát Tân nhạc đủ cả.Toàn là cây nhà lá vườn tự biên, tự diễn, giúp cho những người con xa xứ quên đi cái giá lạnh xứ người sống và nhớ lại cái không khí Tết Quê hương.Những con người bình thường hàng ngày mải mê lao động nay lên sân khấu đẹp xinh lạ thường.Điều qúi hóa nhất là sự say mê nhiệt tình của các Chị,họ đã giữ và truyền được ngọn Lửa Việt với tình yêu quê hương Việt Nam cho con cháu thế hệ thứ 2 và cho cả những người bạn Đức. 
                                                  Ăn Tết Ta bằng món ...Tây !


                                            Các cháu thiếu nhi Múa hát vui Tết VN
                         
Chúng tôi đã đến và được tham gia cùng họ,được họ-những người đồng bào thân thương-truyền cho một không khí Xuân Việt Nam vui tươi rộn rã.Xin cám ơn các bạn trong Hội VH Việt Nam Augsburg,năm mới chúc tất cả các bạn vạn sự như ý,an khang, thịnh vượng.Hẹn gặp lại Tết sau ! 


màn Múa Nón mừng Xuân của các chị Hội VH Augsburg

                        Tiết mục đồng ca góp vui của các anh chị em vùng Dillingen

Lauingen 17.02.2013

Không có nhận xét nào: