Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

NGOẠI TÔI - NHÀ GIÁO LẠI VĂN TẤN


Một nén tâm nhang kính dâng hương hồn Ngoại kính yêu nhân ngày Nhà giáo Việt Nam !
Đã 25 năm rồi chúng tôi và bao thế hệ học trò không được cất lời chúc mừng Ngoại mỗi khi đến ngày 20-11.Dẫu cho rằng vào ngày này trong căn nhà nhỏ ở quê vẫn có rất nhiều những người học trò các thế hệ tìm về và thắp trên bàn thờ Người những nén nhang thành kính biết ơn,ở nơi xa xôi này tôi cũng thế.Bên bàn thờ Người tôi lặng ngắm nhìn bức ảnh Ngoại đã ngả vàng theo thời gian,vẫn còn mãi nụ cười hiền hậu và ánh mắt nhân từ bao dung ấm áp ngày xưa.Nụ cười, ánh mắt mà chúng tôi và bao nhiêu thế hệ học trò của Người mãi đem theo làm hành trang suốt cả cuộc đời.

Ngoại tôi xuất thân từ một gia tộc khoa bảng,Cụ thân sinh ra Người đỗ Tiến sĩ Nho học dưới thời Vua Thành Thái làm quan tới chức Thị lang Bộ Lễ triều Vua Khải Định và Bảo Đại được phong tước „Hồng Lô tự Khanh“(dân gian gọi là Quan Khanh).May mắn hơn những người anh khi Ngoại đến tuổi đi học thì đúng lúc Nho học đã hết thời,cụ thân sinh cho Người theo học tại trường Tây ở Kinh Thành Huế,hết bậc Tiểu học thi đỗ vào học tiếp Trung học tại Trường Quốc Học Huế (bạn đồng khóa,đồng môn với Ông sau này rất nhiều người trở thành nhân vật nổi tiếng như GS Tạ Quang Bửu,Đại tướng Võ Nguyên Giáp...).Tốt nghiệp Trung học một cách xuất sắc, không như những người bạn đồng môn và đồng lứa chọn theo học các Trường Luật,Kỹ thuật hay Trường Thuốc để sau này ra làm Quan,làm Đốc tờ…Người chọn theo học tại Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương để làm nghề dạy học - Trồng người !

Ra trường,bàn chân Người đã đi suốt dọc các tỉnh Miền Trung từ Quảng Nam về Thanh Hoá dựng Trường,xây lớp dạy học,từ một Giáo học vô danh ở xứ Quảng Người đã trở thành một Ông Đốc học danh tiếng ở tỉnh Thanh trước năm 1945. Đến với Việt Minh qua những người bạn học cũ tại trường Quốc học Huế,Người đã tham gia Khởi nghĩa mùa Thu 1945 trở thành Chủ tịch trấn thủ một Huyện tuyến đầu giữa vùng tự do khu 4 và vùng tạm chiếm khu 3,một vị Chủ tịch „khét tiếng“ là gan lỳ,xông xáo,kiên quyết,cương trực và liêm chính,một cái gai trong mắt các Cha cố vùng Phát Diệm và giặc Pháp những năm 46-50, chúng đã treo cái giá hàng vạn đồng Đông Dương trả cho ai giết được Ông .Cuộc Kháng chiến đã trở mình và vươn lên mạnh mẽ,vùng tự do cần có những con người mới để kiến quốc,Người lại nhận nhiệm vụ trở lại đứng đầu nghành giáo dục tỉnh Thanh dựng Trường xây lớp trồng người .Kháng chiến thành công, Chính Phủ về Hanoi Ngoại được cấp trên điều ra Hanoi giữ một trọng trách cao hơn trong nghành giáo dục,cả Làng, cả họ ai cũng mừng Ngoại lại nối chí Cha đi „làm Quan“ ở Kinh Thành.Nhưng khác với mong đợi của mọi người Ông đã chối từ để xin được trở về với nghề đứng lớp dạy học với một lý do đơn giản „Tôi sinh ra và đi học là để làm nghề giáo chứ không phải để làm Quan“ cho dù là Quan trong nghành giáo dục ! Rất lạ, không hiểu là bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ và lòng yêu nghề Giáo của Người hay sao mà cả hai người em rể của Ngoại vốn rất „thần tượng“ ông anh vợ mình,một người được bổ nhiệm làm Đại sứ của Bộ Ngoại giao,một đang là Hoạ sỹ Tổng thư ký Hội nghệ sỹ tạo hình Hanoi cũng nối nhau „từ quan“ xin về đi… dạy học ! Năm 1981 tôi được tháp tùng Ngoại ra Hanoi thăm ông Hoạ sỹ Phạm Viết Song, ôn lại chuyện cũ Ông Họa sỹ bảo với Ngoại „ngày đó anh em mình thật sáng suốt xin thôi cả về đi dạy học được thảnh thơi,hạnh phúc ung dung tự tại sống với nghề chứ cứ cố ở lại thì khổ, quan trường hiểm ác chả biết đâu mà lường. Đấy cứ như tay Văn ( Nhạc sỹ Văn Cao) hay mấy tay khác đeo mộng quan trường rồi khổ cả một đời…".

Xin về với nghề,Ngoại được giao tham gia quản lý và giảng dạy ở trường C.3 Lam Sơn.Cùng với lãnh đạo nhà trường Ngoại đã góp phần đề ra chiến lược xây dựng,phát triển Trường C.3 Lam Sơn thành một trường tốt nhật Tỉnh và Miền Bắc.Từ Lam Sơn bàn chân Ngoại lại về Hoằng hoá,Hà Trung xây dựng nên những ngôi trường C.3 mới. Nơi cuối cùng của cuộc đời trồng người là Nga Sơn- C.3 Nga Sơn nay là Trường PTTH Ba Đình -Thế hệ trẻ bây giờ được học tập và trưởng thành từ ngôi trường này có mấy ai biết về những Tháng Ngày gian khổ của thưở mới lập Trường dựng Lớp mà Ngoại và các bậc Tiền bối đã trải qua ? Có lần ôn lại những Tháng Ngày gian khổ ấy Thầy Nguyễn Danh Dự một cộng sự thân thiết của Ngoại từ Cấp 3 Hà Trung về đến C.3 Nga Sơn đã kể với chúng tôi:" ...Bác biết Ông cháu từ thời Ông còn ở Lam Sơn,những lúc rảnh rỗi Ông hay tâm sự ước ao có một ngày nào đó tại quê nhà Nga Sơn cũng có một Trường C.3,khi đó Ông sẽ xin được về đóng góp sức lực cho Quê Hương. Ông hỏi Bác - anh cũng về đó với tôi chứ ? Bác trà lời là sẵn sàng.Ông xung phong đi xây dựng Trường C.3 Hoằng Hóa rồi về Hà Trung công tác cũng là nhằm mục đích trở về Nga Sơn.Khi biết Tỉnh có kế hoạch trong tương lai sẽ mở thêm các Trường cấp 3,Ông đã gặp lãnh đạo đề đạt xin mở trường tại Nga Sơn,tin vào Ông có nhiều người ủng hộ rất nhiệt tình,tuy vậy cũng có những người phản đối cho là Nga Sơn còn nhiều khó khăn,số học sinh học C.3 chưa đủ để mở trường và nếu mở sẽ lấy giáo viên ở đâu dạy ? Trong số những người phản đối có cả những người nắm trọng trách trong ngành giáo dục Tỉnh nhà và là người Nga Sơn,họ cũng có con cháu đang theo học tại C.3 Hà Trung(cũng chính vì lý do Ông đã"qua mặt" lãnh đạo Ty đi vận động bên Tỉnh Ủy và Ủy ban Tỉnh cho quyết định này mà ông đã bị "trù ém" 7 năm liền cho đến lúc về hưu không được tăng Lương,không được khen thưởng ).Ông buồn lắm nhưng không nản,Ông nói với Bác : - Những đứa HS lên đây(C.3 Hà Trung) theo học là những đứa nhà có điều kiện kinh tế,còn đông lắm chúng không có điều kiện theo học C.3 chứ không phải là Nga Sơn không có đủ HS.Nhìn chúng nó không được học tiếp tôi thương lắm,tôi sẽ cố thuyết phục,đề đạt với các anh trên Tỉnh xin về dưới đó mở Trường,nếu được anh về với tôi nhé . Bằng uy tín và kinh nghiệm cộng thực tế khách quan Ông đã thuyết phục được lãnh đạo Tỉnh khi ấy cho phép lập Trường.Ngày nhận quyết định được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng Trường Nga Sơn ông vui như được thưởng , mặc dù bao khó khăn đang chờ đợi phía trước ông vẫn hăm hở lao vào nhận nhiệm vụ,đạp xe đi lại như con thoi liên hệ cơ sở vật chất cho Trường,lên Thanh Hóa ,ra Hanoi,vào Vinh xin giáo viên.Bác khẳng định không có Ông cháu Trường Nga Sơn chưa được mở sớm thế đâu và cũng khó được như bây giờ ! ..."
Hồi tưởng lại những ngày xưa,Thầy Nguyễn Văn Chung- Tiến sỹ Sinh học,giảng viên ĐH Tổng Hợp Hanoi chuyên viên cao cấp của Bộ ĐHTH chuyên nghiệp những năm 1980 kể : "... Tôi được gặp Thầy Tấn vào năm 1957 lúc mới tốt nghiệp ĐHSP khi Thầy ra Hanoi công tác.Qua tiếp xúc và lời kể của các Thầy Cô trong Trường Sư Phạm,tôi rất kính phục và mến mộ nhân cách cũng như lòng yêu nghề của Thầy,liền cùng vài người bạn làm đơn xung phong vào Thanh Hóa về Trường Lam Sơn dạy.4 năm công tác dưới quyền Thầy tôi đã trưởng thành nhiều,trở thành Giáo viên dạy giỏi,được kết nạp đảng.Có thể nói nếu không gặp Thầy Tấn năm 1957 thì không có TS Nguyễn Văn Chung ngày nay.Bởi dẫu sau đó Thầy nhận nhiệm vụ đi mở Trường ở nơi khác,nhưng vẫn không quên gửi gắm anh em chúng tôi lại cho những người có trách nhiệm quen biết ở Trường Lam Sơn và trên Ty Giáo dục giúp đỡ.Tôi nhớ Thầy nói đại ý muốn có HS giỏi,Trường tốt thì phải có Giáo Viên giỏi,mà muốn thu hút được Giáo viên giỏi thì phải biết quan tâm tạo điều kiện cho họ công tác, phấn đấu.Năm 1963 nghe tin Thầy về mở Trường dưới Nga Sơn tôi viết đơn xung phong xuống đó dạy,nhưng cũng lúc đó tôi nhận được giấy báo dự tuyển đi nghiên cứu sinh trên ĐH ở nước ngoài.Biết tin Thầy từ Nga Sơn đạp xe lên Thanh Hóa gặp tôi nói chuyện khuyên tôi đi thi NCS,Thầy bảo không có Chung xuống Nga Sơn dạy tôi rất tiếc,nhưng tôi càng tiếc hơn nếu em không đi dự tuyển NCS đây là cơ hội có môt không hai.Chung xuống Nga Sơn dạy thì giúp được chúng tôi và một số ít HS Nga Sơn,nhưng nếu Chung đi thi rồi đi học tiếp sau này về có kiến thức cao sẽ giúp được nhiều người hơn.Tôi nghe lời khuyên của Thầy và xa Thầy từ đó mãi đến bây giờ...Thầy là một người tuyệt vời nhất mà tôi đã từng gặp !"
Không thể kể hết những lời tri ân và ca ngợi mà Đồng nghiệp và HS như Thầy Chung đã viết về Ngoại trong cuốn sổ lưu niệm nhân ngày mừng thọ Người 70 tuổi do Trường Cấp 3 Nga Sơn và C.3 Hoằng Hóa 1 đứng ra tổ chức vào năm 1980.Bao nhiêu Đồng nghiệp và Học trò đã trưởng thành dưới sự dìu dắt và nâng đỡ của người,họ đã trở thành những người tài có ích cho Đất nước.Trong Lịch sử Trường C.3 Nga Sơn chắc không ai quên chuyện lần đầu tiên một HS cuối cấp được giới thiệu kết nạp đảng.Đó là Chú Mai Thận người Nga Mỹ.Thời đó việc vào đảng còn vô cùng khó khăn và gian nan,việc một HS cấp 3 được chính Hiệu Trưởng kiêm phó bí thư chi bộ Nhà Trường đứng ra giới thiệu kết nạp là điều chưa hễ có tiền lệ trong ngành giáo dục Tỉnh Thanh cũng như cả Nước(cho đến tận thời tôi đi học hơn chục năm sau vẫn chưa có trường hợp thứ 2).Điều đó khiến cho không ít người nói này nọ cho là Ngoại có ý đồ gì đó(!?).Biết được, Ngoại cười lớn bảo nếu tôi có ý đồ gì thì đó chính là ý đồ muốn tìm và giới thiệu cho đảng những Thanh Niên xuất sắc,họ sẽ là thế hệ kế tiếp tiếp tục sự nghiệp vẻ vang của đảng.Không phụ lòng Người chú Mai Thận sau khi vào đảng đi du học ở Liên Xô về đã trở thành một Kỹ sư giỏi,một cán bộ tốt,có nhiều thành tích trong công tác .Chỉ tiếc chú mất sớm !
Tận tụy và chung thủy suốt một đời với nghề Giáo,gần 40 năm „trồng người“ Ngoại tôi đã góp phần đào tạo nên bao nhiêu là thế hệ học trò.Trong số họ có người đã trở thành những Sỹ quan,cán bộ cao cấp,Giáo sư,Tiến sỹ,Bác sỹ nổi tiếng.Có những người chỉ là công dân bình thường là Nông dân,Công nhân…Nhưng ai cũng thế đều vô cùng yêu quý và kính trọng Ngọai,coi Ông như người Cha thứ hai của mình.Tôi còn nhớ có những người học sinh cũ ,có địa vị rất cao trong xã hội là cán bộ cao cấp của Nhà nước hay quân đội cùng những người bạn đồng môn là Nông dân, Công nhân cứ dịp lễ,Tết họ đều ghé về thăm Ông với một sự hoan hỉ và hết sức cung kính hệt như những cậu học trò nhỏ ngày xưa đến với Thầy,những đứa con xa về với Cha. Với ai cũng vậy Ông thật nhân từ và hiền hậu như một người Cha đối với những đứa con luôn lắng nghe, quan tâm, động viên, an ủi và sẻ chia.Bác Lê Văn Bính một cựu chiến binh Điện Biên đã ở, học với ông từ thời Pháp thuộc kể : Ngày xưa nhà bác nghèo lắm,các anh chị em ai cũng phải đi ở đợ cày thuê cuốc mướn.Vào năm đói,bố mẹ bác không nuôi nổi liền đem bác đến nhà Ông tôi xin ông nhận bác làm tiểu đồng hầu hạ. Ông nhận nuôi bác cho ăn học,làm việc coi như con cháu trong nhà.Kháng chiến bác đi bộ đội,khi rèn quân chỉnh cán khai lý lịch không ai tin bác là con bần cố nông không có tấc đất cắm dùi cả.Bởi họ bảo con bần cố nông gì mà thư sinh trắng trẻo được học trường Tây nói được tiếng Tây .Sau kháng chiến bác về xuất ngũ vào đúng dịp cải cách ruộng đất. Ông Bà tôi bị quy thành phần địa chủ, Đội cải cách biết bác ngày xưa ở với ông bà tôi vận động bác đứng lên đấu tố Ông Bà.Bác đã biến buổi đấu tố thành một tấn hài vô tiền khoáng hậu khi „tố“ Ông tôi nhận bác làm thằng hầu sao „đày đoạ“ bắt bác học chữ,dạy bác làm người,cho đi bát phố ăn tiệm,xem hát…Kháng chiến lại còn „xui“ bác ra nơi mũi tên hòn đạn đi bộ đội đánh Pháp ! Buổi đấu tố bể, Đội giận quá bắt phạt bác kết tội bao che địa chủ .Nhưng bác không sợ.Với Bác Ngoại tôi như người đã sinh ra bác lần thứ hai cho bác được làm người đúng nghĩa.Cả đời bác luôn tự hào về điều đó, về những tháng ngày may mắn được ở với Ngoại.Nhà Phật có câu „gieo nhân nào gặt qủa nấy“ cả cuộc đời Ngoại tôi đã miệt mài gieo con chữ,gieo tình người cho Đồng bào và kết qủa Người đã gặt được những vụ mùa bội thu tình thương yêu và qúy trọng của Học trò và Nhân dân !
Ngày Ngoại mất,hàng nghìn học trò các thế hệ đã tìm về.Tay trong tay,họ đã kết thành hàng „Tiêu binh“ danh dự dài hơn 1 Km từ nhà tôi ra tới Nghĩa Địa làng tiễn đưa Ngoại.Có tận mắt nhìn những giọt nước mắt,những khuôn mặt,những niềm tiếc thương của mọi người mới biết Ngoại tôi được yêu qúy và kính trọng như thế nào.Mới biết tại sao Ngoại luôn luôn khẳng định: Nghề giáo là một nghề cao quý và vinh quang !
Năm 1990 về phép sang cát cho Ngoại tôi được gặp bác Thái Văn An nguyên Vụ phó Vụ Tổ chức Cán Bộ của Bộ Đại Học và Trung học chuyên nghiệp vốn là học sinh từ thời Pháp thuộc của Ngoại .Bác nói với tôi :“ Đời cháu thật là may mắn và hạnh phúc khi có mười mấy năm được sống bên cạnh và được Ngoại dạy bảo !“

Vâng chúng tôi những người con, đứa cháu của Người thật là những người vô cùng hạnh phúc khi được có Ngoại là Cha là Ông !

Những năm tháng chiến tranh cha mẹ chúng tôi đều ra trận hay vào tuyến lửa phục vụ chiến đấu-lũ chúng tôi những đứa cháu Nội,Ngoại- được Ngoại đón về chăm sóc nuôi dạy.Ngoại vừa là Ông vừa là Cha lại vừa là Thầy của anh em chúng tôi,vô cùng tận tụy và chu đáo. Tôi vẫn nhớ Ngoại ngồi tỷ mẩn bện từng chiếc mũ Rơm,từng cái nùn Rơm che mảnh bom cho chúng tôi đem đi học.Ngoại đã đạp xe cả trăm cây số,mặc đạn bom máy bay bắn phá,thời tiết khắc nghiệt đi đón đứa em con bà Dì thứ 4 vừa tròn 6 tháng tuổi về nuôi khi bố mẹ nó phải đi chiến đấu nơi tuyến lửa.Một tay lái xe một tay cầm bình sữa cho đứa bé địu trước ngực bú, miệng ru nó ngủ mắt dõi đề phòng máy bay đánh phá đi suốt đêm đem nó về nhà.Rồi những khi mất ăn mất ngủ thức trông anh em chúng tôi khi có đứa ốm đau,dạy dỗ uốn nắn từng đứa học hành . Sau chiến tranh,các anh chị em họ trở về với bố mẹ chỉ còn tôi và nó bám hơi Ông ở lại cạnh Người cho đến lớn khôn.Năm Ngoại mất chúng tôi mới thấu được nỗi đau mồ côi ! Thực ra tôi đã mồ côi Cha từ khi 7 tuổi nhưng khi ấy còn quá bé để biết đau và biết mất mát. Ở với Ngoại được Ngoại yêu thương bù đắp cho sự thiếu hụt tình cảm .Khi mất Ngoại tôi mới hiểu như thế nào là nỗi đau mất đi người thân yêu nhất của cuộc đời mình.Tôi gục xuống chìm đắm cả tháng trời trong sự đớn đau,thương nhớ…!

Thời gian trôi nhanh qúa mới đấy mà chúng tôi đã xa Ông 25 năm trời,25 năm không được gặp và nói với Người những lời chúc mừng hay những lời tri ân vào mỗi dịp 20-11 ngày của các Nhà Giáo.Nhưng Ngoại ơi dù ở đâu chúng con vẫn luôn nhớ tới Người luôn khắc sâu trong Tim hình bóng và những lời dạy dỗ của Người.Chúng con luôn tự hào và cảm thấy hạnh phúc,hãnh diện khi được làm con,cháu của Người.Nếu cho con một điều ước con sẽ ước kiếp sau nếu được làm người con lại xin được đầu thai làm cháu của Người.Con biết rằng Ngoại sẽ đồng ý như thế đúng không Ngoại ?

Ở trên cao,qua làn khói hương lãng đãng ánh mắt Ngoại vẫn nhìn tôi đầy yêu thương,ấm áp với nụ cười hiền hậu nhân từ …!


Xứ người 20-11-2011.

PS : Khi tôi vừa viết xong những dòng hoài niệm về người Ông kính yêu của mình, thì nhận được điện hoại từ nhà gọi sang báo tin tập thể các cựu học sinh Trường C.3 Nga Sơn từ năm 1963 đến 1970 do chú Họa sỹ Trần Cao Sơn người Nga Mỹ chủ trì, đã quyết định đúc tượng Ông để tặng gia đình và Trường Nga Sơn nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường 1963-2013.Thật vô cùng xúc động và tự hào,sau 41 năm kể từ ngày Ông rời bục giảng,25 năm xa rời dương thế,những học sinh cũ của Người vẫn không quên Ông.Cả cuộc đời dạy học,tận tụy với nghề cho dù Ông không được phong danh hiệu hay khen thưởng này nọ,nhưng tất cả những tình cảm của các thế hệ Học sinh dành cho Người đó chính là phần thưởng là danh hiệu cao quí nhất !

Không có nhận xét nào: