Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

QUÊ NỘI


Khác với quê Ngoại Nga Sơn,Thanh Hoá - nơi tôi đã sống suốt thời ấu thơ cho đến trưởng thành - với bao kỷ niệm thân thương gắn bó.Quê Nội Tân Châu (Châu Đốc), An Giang trong tâm trí tôi thật là mới mẻ và lạ lẫm.Tuy tiếng là quê Cha đất tổ nhưng suốt 22 năm đầu đời khi còn ở VN tôi cũng chỉ mới được về thăm có 1,2 lần ít ỏi,còn chủ yếu là về TP  Long Xuyên, An Giang nơi Ông Bà Nội tôi sinh sống những năm cuối đời sau giải phóng.Ba tôi vốn là dân tập kết 1954, ông sống học tập,làm việc yêu và lấy Má tôi trong khoảng thời gian 11 năm trên đất Bắc.Khi sinh tôi ra được 2 tháng thì ông khoác ba lô vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu,năm 1972 khi tôi tròn 7 tuổi thì ông hy sinh.Tôi lớn lên cũng chỉ biết quê Nội qua lời kể của Má tôi(Bà cũng chỉ nghe Ba tôi kể lại qua ký ức) rằng đó là một miền quê xa lắm nằm sát biên giới Campuchia là một Cù Lao xanh mướt bóng Dừa xanh ngời sắc Lúa nằm giữa sông Cửu Long liền Đồng Tháp Mười mênh mông…
Sau giải phóng cho đến khi tôi sang Đức ,12 năm liền, năm nào Má tôi cũng cố dành dụm lặn lội đưa tôi về thăm Ông Bà nội,nhưng cũng chỉ về tới TP Long Xuyên nơi Nội tôi sinh sống. Đôi khi tôi hỏi về quê nhưng Nội thở dài bảo về đó xa lắm khó đi mà ở đó cũng chả còn mấy ai thân thuộc…Khi ấy tôi đâu có hiểu đằng sau những tiếng thở dài của Nội tôi là cả một niềm đau...! Mãi đến sau khi Ông Nội mất, năm 1986 tôi mới hỏi dò Bà Nội đường đi và tìm về thăm quê.Mất gần nửa ngày lênh đênh trên con đò chạy từ TP Long Xuyên lên Tân Châu tôi mới đến được quê Cha đất Tổ.Quê Nội tôi đẹp thật ! Đó là một Cù Lao lớn nhìn từ trên cao xuống như một lưỡi Đao khổng lồ xẻ dòng Cửu Long làm hai nhánh : Sông Tiền và Sông Hậu.Tên thường gọi là Cù Lao Tây,Cù Lao có 5 xã ,quê Nội tôi là xã Tân Quới .Ngày xưa thời Pháp thuộc  Cù Lao này thuộc Huyện Tân Châu Tỉnh Châu Đốc,thời Kháng chiến 9 năm và Mặt Trận Giải Phóng nó thuộc Quận Tân Hồng,Tỉnh Long Châu Tiền rồi Long Châu Sa,thời VNCH nó thuộc Huyện Đồng Tiến,Tỉnh Kiến Phong sau giải phóng được nhập vào Tỉnh Đồng Tháp.Có cái lạ,dù bị người ta tách  ra khỏi Tỉnh An Giang, nhưng người dân ở huyện Lấp Vò và 5 xã Cù Lao Tây( nhập vào Đồng Tháp), huyện Thốt nốt (nhập vào Hậu Giang) trong tâm trí vẫn tự coi mình là dân An Giang(người quê tôi vẫn tự xưng mình là dân Tân Châu mặc dù 30 năm nay thuộc Huyện Thanh Bình.Đồng Tháp ! ) Không hiểu sao Quê Nội và Quê Ngoại tôi lại có nhiều nét tương đồng đến thế, cũng là hai hòn Đảo lớn với bốn phương tám hướng sông nước vây quanh, muốn đến ngoại trừ là... nhảy dù từ trên Trời xuống còn không đều phải đi đò !


Phà qua Cù Lao Tây

Quê Ngoại tôi nổi tiếng với nghề dệt Chiếu Cói(Chiếu Nga Sơn) thì quê Nội là nghề dệt Luạ(Luạ Tân Châu,lãnh Mỹ Á…).Thấp thoáng sau những lũy Tre và vườn cây ăn trái bạt ngàn cũng là những nóc Nhà thờ Công giáo với cây Thánh giá trắng toát.Hầu hết dân cư trên Cù lao này đều theo đạo Thiên Chúa,gia tộc tôi cũng không ngoại lệ.Cho đến hết đời Cụ Nội tôi ,khoảng gần 100 năm gia tộc tôi truyền đời làm Trùm họ Đạo.Ông Nội tôi(trên bước đường làm ăn xuôi ngược)có lẽ nếu không gặp những người Cộng Sản vào đầu những năm 40 của Thế kỷ trước thì cũng lại nối bước Cụ tôi làm Trùm họ đạo.Đến với lý tưởng Cộng Sản,chấp nhận tù đày,chết chóc ông đã thoát ly gia đình đi hoạt động.Cách mạng Mùa Thu nổi lên rồi Kháng chiến, ông tôi khi ấy đã móc nối với cơ sở bí mật đón Ba tôi đang theo học tại một trường Công Giáo ở Mỹ Tho ra Bưng biền tham gia Kháng chiến.Quyết định này của Ông đã làm cả gia tộc nổi giận bởi vì khi ấy Cộng sản và Công Giáo như Nước với Lửa,cả gia tộc đang kỳ vọng vào Ba tôi làm vẻ vang dòng họ bằng con đường học vấn hay là theo học trường dòng tu thành Linh Mục thờ phụng Chúa.Gia tộc nổi giận,Nhà thờ nổi giận kết quả là Ông tôi-kẻ đã theo Cộng Sản vô thần- bị rút phép thông công. Theo Kháng chiến,Ba tôi đã trưởng thành nhanh chóng,tập kết ra Bắc Người tiếp tục theo đòi nghiệp đèn sách tốt nghiệp ĐH Y Hanoi trở thành một Bác Sỹ giỏi là học trò cưng của các GS Ykhoa hàng đầu VN : Hồ Đắc Dy,Đặng Văn Chung, với tương lai sán lạn.Ở Chiến khu Đồng Tháp Mười, Nội tôi dõi bước Ba đi với niềm tự hào, kiêu hãnh,hy vọng sau này đất nước thống nhất Nội có thể đưa Ba về quê để chứng minh với dòng họ sự quyết định đón Ba tôi ra Bưng ngày xưa là đúng đắn.Nhưng không ngờ chiến tranh đã cướp mất hy vọng đó của Nội để lại cho Ông một nỗi đau buồn khôn nguôi...
Nằm giữa dòng Cửu Long thường xuyên được phù sa bồi đắp nên đất đai ở đây màu mỡ vô cùng,bạt ngàn là màu xanh của vườn cây ăn trái,của những cánh đồng Lúa và bãi Dâu.Bốn bề là sông nước nên hình như đất trời ở đây cũng rộng rãi và mênh mông hơn con người cũng hào sảng,cởi mở và phóng khoáng hơn dễ gần và dễ làm quen hơn .Lần đầu tiên đặt chân về nhưng tôi có cảm tưởng gần gũi và thân thuộc,có lẽ trong huyết quản tôi có chảy những tế bào máu được truyền từ Cha tôi-những tế bào máu đã được kết tinh từ những hạt phù sa trên Cù Lao này- Mấy ngày ở quê tôi tha thẩn đặt bước chân trên những con đường ngang dọc Cù Lao và thầm hỏi không biết những con đường này ngày bé Cha tôi có đi qua ? Những bến Sông kia bến nào Cha tôi đã từng lội ? Anh họ tôi - Linh Mục Lâm Tấn Phát,người đã thay thế Cha tôi thỏa ước nguyện của Gia tộc - đưa tôi đến thăm Nhà thờ Tân Quới một Thánh đường đầu tiên thờ Chúa được xây dựng trên Cù Lao này vào những năm đầu thập kỷ 30 của TK 20.Đó là một ngôi Giáo đường rất đẹp được xây dựng theo kiểu kiến trúc Gô Tích với Tháp Chuông cổ kính và vòm mái cao vút lung linh huyền ảo.Đón chúng tôi tại Nhà thờ là Đức Cha chánh xứ Nguyễn Hoàng Hân,Ông ôm chầm lấy tôi như đón một người thân đi xa về(Ba tôi và ông là hai người bạn thân cùng học tại Mỹ Tho cách đây gần nửa thế kỷ),những giọt nước mắt lăn trên gò má ông làm cho lòng tôi ấm áp lạ .Với giọng trầm trầm rù rỉ, đầy tiếc nuối ông kể cho tôi nghe những kỷ niệm thời còn đi học chung với Cha tôi thưở ấu thơ .Tôi lần về cội nguồn với những bước chân như lạ như quen,hằng ngày ngoài việc đi thăm hỏi bà con họ hàng tôi lại được  cùng những người anh em họ chống Xuồng ra Ruộng vào Đồng bắt Cá, săn Chuột ,hái Sen.Thiên nhiên ở đây thật là hào phóng cả đời chưa bao giờ tôi được nhìn thấy Cá nhiều như ở đây,đủ các loại,rồi Chuột đồng, Rắn , Rùa, Chim Trời…Người ta chỉ cần nhấc tay nhấc chân vài cái là đã thừa đồ cho một bữa nhậu đã đời.Cho đến nay tuy đã từng ngồi ăn nhậu trong những nhà hàng sang trọng 4 sao,5 sao ở VN hay ở trời Âu hay cả tại những quán vỉa hè Hanoi, Saigon nhưng không đâu tôi có được cái cảm giác“phê“, „đã đời“ như những lần ngồi nhậu cùng mọi người trên những chiếc Xuồng cắm giữa mênh mông Trời nước với những đặc sản của  ruộng đồng .Thiên nhiên hoang sơ,sản vật dồi dào,con người vô tư phóng khoáng,chân tình có lẽ ở chốn địa đàng xa xôi nào đó cũng chỉ đến như thế này là cùng !
Hai mươi bốn năm xa quê tuy đã bao lần về VN nhưng tôi vẫn lỗi hẹn chưa một lần quay lại nơi này,tuy chưa quay lại nhưng trong tâm trí tôi hình bóng miền đất Cù Lao trên dòng Cửu Long và những kỷ niệm về nó chưa bao giờ phai nhạt.Vẫn hy vọng rằng có một ngày tôi sẽ được trở về,trở về và dẫn những đứa con tôi đi lại trên những con đường mà tổ tiên chúng ngày xưa đã từng đi.Kể cho chúng nghe câu chuyện rằng ngày xưa…đây là…Quê Nội …!

Lauingen, 09.11.2011

Ng.Thanh Trang


Nhà thờ Tân Quới 


GỞI CHÚ
Kính tặng chú B
Chú về Thành Phố
cháu ở lại quê
gởi theo nỗi nhớ
nhờ chú chuyển về
Tới từng góc Phố
tới từng gốc Me
con đường Nắng đỏ
chú ơi nhớ nghe
Chú về Thành phố
hơi thở của quê
hơi thở đồng nội
cũng theo chú về
Mùi đất ,mùi Rừng
mùi hương lúa mới
về giữa thành đô
xôn xao lòng người

Khi về thành phố
chú ơi có nhớ
miền đất phù sa
đồng bắng châu thổ
xanh biếc bóng Tràm
xanh ngời sắc Lúa
chú ơi có nhớ
ánh Trăng đồng quê
ánh Lửa đồng nội
sáng những đêm Hè ?
Chú về thành phố
từ sáng mờ sương
tiễn chú một đoạn
lòng đầy nhớ thương !

Quê Nội hè 1986

Không có nhận xét nào: